Tin tức

Không chỉ COVID-19, Ấn Độ cũng là 'thủ đô tiểu đường và nấm đen' của thế giới

Tỷ lệ ca nhiễm nấm đen trên toàn cầu là 0,005 - 1,7 / 1 triệu người, nhưng tỷ lệ này ở Ấn Độ cao hơn gần 80 lần, nước này cũng là “thủ đô tiểu đường” của thế giới.

23/05/2021 13:28

Từ lâu, Ấn Độ đã là điểm nóng trên thế giới về số người mắc bệnh nấm đen. Trong thời kỳ đại dịch, “bộ ba xấu số” bao gồm COVID-19, tiểu đường và steroid càng thúc đẩy dịch nấm đen ở nước này tồi tệ hơn.

Không chỉ COVID-19, Ấn Độ cũng là 'thủ đô tiểu đường và nấm đen' của thế giới - Ảnh 1.

Người bệnh COVID-19 trong phòng cấp cứu của Bệnh viện Holy Family, tại New Delhi, ngày 29/4. Ảnh: Reuters

Theo giáo sư Shashank Joshi từ Mumbai, trước đây các bác sĩ thường chỉ phải điều trị cho một bệnh nhân tiểu đường mắc nấm đen trong hai tháng. Nhưng con số này đã tăng vọt trong đại dịch COVID-19.

“Giờ thì các bác sĩ phải tiếp nhận nhiều trường hợp mắc cùng lúc hai bệnh trong một ngày”, giáo sư Joshi nói.

Theo một thống kê trên tạp chí y khoa Ấn Độ gần đây, nước này cũng có tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường cao nhất thế giới. Hơn hai phần ba số bệnh nhân tiểu đường ở Ấn Độ được điều trị bằng steroid, chất cũng được sử dụng với bệnh nhân COVID-19. Điều này cho thấy việc kiểm soát tình hình bệnh tiểu đường và sử dụng hợp lý steroid là cần thiết để giảm số ca nhiễm nấm đen.

Tỷ lệ ca nhiễm nấm đen trên toàn cầu dao động trong khoảng 0,005 - 1,7 / 1 triệu người, nhưng tỷ lệ mắc bệnh này ở Ấn Độ cao hơn gần 80 lần.

"Nói cách khác, Ấn Độ có số ca nhiễm nấm đen cao nhất trên thế giới. Xét thêm yếu tố Ấn Độ vốn bị coi là thủ đô bệnh tiểu đường của thế giới, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nước này dẫn đầu về số bệnh nhân nấm đen”, giáo sư Anoop Misra từ Delhi cho biết

Trước đại dịch COVID-19, tại Ấn Độ đã tiềm tàng nhiều vấn đề về khả năng miễn dịch thấp, bệnh tiểu đường, nấm đen và lạm dụng chất steroid. Có thể nói, làn sóng COVID-19 thứ hai bùng phát dữ dội ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của một bộ phận người dân Ấn Độ đóng vai trò như yếu tố “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến dịch nấm đen trở nên nghiêm trọng.

Giáo sư Misra cho biết “trong hơn 30 vạn ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ, có khoảng 5.000 - 7.000 người mắc nấm đen”, tỉ lệ vẫn thấp hơn suy thận và suy tim. Nhưng căn bệnh nấm đen nguy hiểm hơn do có tỷ lệ tử vong rất cao. Do vậy, các bệnh nhân COVID-19 cần rất chú trọng vấn đề vệ sinh, đặc biệt là vệ sinh mũi và họng, để giảm nguy cơ nhiễm nấm đen.

Ý kiến của bạn