Khối ngoại miệt mài gom cổ phiếu Việt Nam
Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh, nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng còn khối ngoại mua ròng hơn 2.300 tỷ đồng tuần qua.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch ảm đạm bởi nỗi lo về dịch bệnh tại TP.HCM, dẫn đến tâm lý của nhà đầu tư trở nên thận trọng. Chỉ số VN-Index giảm mạnh 3,55% khi lui về mức 1.299 điểm, giá trị vốn hóa theo đó cũng "bốc hơi" khoảng 178.500 tỷ đồng.
Mức giảm mạnh chủ yếu do tác động từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm ngân hàng. Chỉ số VN30 mất hơn 56 điểm trong tuần qua và nhóm ngân hàng góp mặt đến 7/10 mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index.
Thanh khoản thị trường rơi về mức thấp, xu hướng biến động chưa rõ ràng khiến tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng. Dòng tiền đổ vào sàn HoSE tuần qua chỉ đạt mức bình quân gần 19.000 tỷ đồng/phiên, thậm chí 2 phiên thứ 5, thứ 6 còn rơi xuống dưới 15.000 tỷ đồng. Trong khi đó, mức bình quân trong tháng 6 đạt gần 23.680 tỷ đồng/phiên.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục gây áp lực lớn nhất lên thị trường khi bán ròng tại HoSE gần 1.700 tỷ đồng trong tuần qua. Đây đã là tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp của cá nhân trong nước với tổng giá trị lũy kế gần 4.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, giao dịch của khối ngoại trở thành điểm sáng của thị trường. Dòng vốn này mua ròng hơn 71 triệu cổ phiếu trên HoSE, tương đương với giá trị hơn 2.300 tỷ đồng. Đây cũng là tuần thứ 3 liên tiếp nước ngoài mua ròng với tổng giá trị 8.245 tỷ đồng.
Trong đó đáng chú ý là quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF đã huy động hơn 86 triệu USD (gần 2.000 tỷ đồng) trong tuần vừa qua và lượng vốn mới này được giải ngân toàn bộ vào cổ phiếu Việt Nam. Đây là quỹ được thành lập ở Đài Loan gần đây nhưng đang phát triển mạnh với quy mô hiện đạt 493 triệu USD, thực hiện mô phỏng theo chỉ số FTSE Vietnam 30 Index.
Thị trường chứng khoán tuần này dự kiến tiếp tục gặp áp lực khi lệnh giãn cách xã hội được áp dụng ở 19 tỉnh thành phía Nam và cả TP Hà Nội kể từ 19/7. Nhiều công ty chứng khoán dự báo thị trường tiếp tục điều chỉnh trong các phiên đầu tuần.
Chứng khoán Agiseco đánh giá đợt dịch bùng phát ở nhiều trung tâm kinh tế sẽ ảnh hưởng xấu lên tâm lý thị trường trong ngắn hạn và sự tăng trưởng kinh tế trong quý III. Theo đó trong tuần tới, VN-Index có thể chịu áp lực giảm điểm và kiểm định lại mốc hỗ trợ 1.250 điểm.
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nhận thấy thanh khoản của những phiên tăng điểm là cực kỳ thấp so với những phiên giảm điểm cho thấy lực cầu trên thị trường đang lép vế hoàn toàn so với áp lực cung.
Do vậy, CSI tin rằng những phiên hồi phục cuối tuần trước chỉ mang tính chất kỹ thuật, VN-Index sẽ tiếp vận động theo xu hướng giảm trong tuần tới để hướng về ngưỡng hỗ trợ 1.200-1.210 điểm. Nhà đầu tư cân nhắc giảm tỷ trọng cổ phiếu ở những nhịp hồi phục, hạn chế bắt đáy khi thị trường chưa có dấu hiệu đáng tin cậy.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong các phiên giao dịch đầu tuần và VN-Index tiếp tục giằng co trong vùng 1.264 – 1.300 điểm. Thị trường có khả năng sẽ xuất hiện các nhịp giảm mạnh nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế mua đuổi. Thị trường vẫn đang tìm vùng cân bằng nên thanh khoản có khả năng tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Có phần trung lập hơn, Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng thị trường có thể còn trải qua nhịp rung lắc vào đầu tuần tới, nhưng nếu bảo vệ thành công vùng hỗ trợ gần quanh 1.285 điểm thì cơ hội mở rộng nhịp hồi phục ngắn hạn vẫn chiếm ưu thế.
Chứng khoán MB nhận định thị trường có thể đã tìm được vùng đáy ngắn hạn sau nhịp giảm mạnh vừa qua, biên độ dao động hẹp lại trong khi thanh khoản giảm cho thấy áp lực bán giảm đi. Nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân từng phần với ngưỡng hỗ trợ MA100 và kháng cự MA50.
Tương tự Chứng khoán VietinBank nhận thấy VN-Index sau nhịp chỉnh mạnh đã bắt đầu ghi nhận dấu hiệu tạo đáy và hồi phục tiệm cận ngưỡng hỗ trợ mạnh trung dài hạn 1.270 điểm của đường EMA 100, nhờ dòng tiền tham gia bắt đáy. Nếu chỉ số giữ được ngưỡng hỗ trợ này, nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng giải ngân vào nhóm cổ phiếu thép, chứng khoán, ngân hàng và bất động sản cho kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II.
Tin nổi bật
Tin Video