Khởi công Vành đai 3 TP.HCM: Ước mơ dần thành hiện thực
(VOVTV) - Sáng 18/6, dự án Vành đai 3 TP.HCM, ước mơ của hàng chục triệu người dân khu vực Đông Nam bộ sẽ chính thức được khởi công. Tất cả đều tin tưởng dự án sẽ sớm được hoàn thành, từ đó tạo nên cú hích về kinh tế - xã hội cho TP.HCM và khu vực Đông Nam bộ.
Người dân mong chờ
Một ngày trước lễ khởi công, công tác giải phóng mặt bằng tại khu vực đường Nguyễn Văn Bứa, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn đang được ngành chức năng tiến hành rất khẩn trương.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ ngụ xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho biết, do giá đền bù cao, sát giá thị trường nên gia đình rất vui. Chỉ trong vòng một tuần từ khi đồng thuận giao đất là gia đình bà đã nhận được tiền để ổn định chỗ ở mới.
Là một trong những hộ gia đình bàn giao mặt bằng đầu tiên, bà Mỹ mong muốn góp một phần nhỏ để dự án sớm được triển khai và hoàn thành: "Vành đai 3 đi qua đây thì kinh tế địa phương phát triển, bộ mặt địa phương thay đổi hoàn toàn, ai cũng thấy cái mới hết. Giờ mình bị ảnh hưởng, nhà nước thu hồi, đền bù cho mình thỏa đáng thì mình bàn giao mặt bằng."
Huyện Hóc Môn có diện tích đất thu hồi để làm Vành đai 3 là 99ha, số trường hợp bị ảnh hưởng là 330 hộ. Đến ngày 16/6, huyện đã bàn giao 94/99 ha, đạt tỷ lệ 95%, cao nhất trong cả 4 địa phương của TP.HCM. Tính toàn TP, đến nay đã bàn giao 357/410 ha, đạt tỷ lệ 87%, cao hơn nhiều so với con số mục tiêu 70% trước 30/6 để khởi công dự án.
4 thách thức sau lễ khởi công
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, ngay sau lễ khởi công, TP sẽ triển khai ngay các phần việc để đảm bảo tiến độ chung, quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Dù rất vui và hạnh phúc khi dự án Vành đai 3 TP.HCM được triển khai với tốc độ nhanh, nhưng ông Lương Minh Phúc cũng thẳng thắn nhìn nhận “khó khăn vẫn còn ở phía trước”.
Cụ thể, dự án Vành đai 3 TP.HCM đứng trước 4 thử thách lớn. Thứ nhất là phải đảm bảo thi công đồng loạt 47km dự án trên địa bàn TP, vừa đảm bảo tiến độ lại vừa tránh gây ảnh hưởng, xáo trộn đến bà con nhân dân. Thứ hai là việc chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu xây dựng khi Vành đai 3 cần đến 7,2 triệu khối cát và dù đã có sự chuẩn bị và đã có nguồn nhưng để cát về đến công trường thì đây cũng là bài toán khó khi cả miền đang làm cao tốc.
Thứ ba là phải đảm bảo hoàn tất 100% giải phóng mặt bằng vào cuối năm. Dù đến nay đã giải phóng mặt bằng đến gần 90% nhưng TP sẽ không chủ quan. Cuối cùng là phát huy vai trò điều phối, công tác phối hợp với các tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai để làm sao toàn tuyến được hoàn thành đúng thời hạn. Ông Lương Minh Phúc cho rằng: "Đó là 4 nhiệm vụ lớn cũng là 4 thách thức vô cùng lớn mà chúng ta phải vượt qua để đạt mục tiêu cuối cùng đưa thông xe dự án vào cuối năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026."
Hoàn thành Vành đai 3 càng sớm càng tốt
Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng, dự án Vành đai 3 đã đạt được các thành công bước đầu rất lớn mà chưa có dự án nào trước đó làm được. Việc khởi công dự án là một điểm nhấn rất quan trọng và các địa phương cần phải tiếp tục phát huy tinh thần đó trong thời gian tới.
Trước hết, cần phải luôn nhớ Vành đai 3 là một dự án liên vùng và TP.HCM là nhạc trưởng. Do đó TP cần phải phát huy vai trò đầu mối, điều phối để tạo nhịp nhàng nối kết trong quá trình xây dựng, giám sát chất lượng, tạo sự đồng bộ ở tất cả các địa phương để kết nối hoàn chỉnh. Rút kinh nghiệm các cao tốc phía Đông cần làm tốt việc chuẩn bị vật liệu xây dựng để đảm bảo tiến độ; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát ở tất cả các gói thầu, tránh để xảy ra tiêu cực, gây ảnh hưởng. Đặc biệt là cần phải làm với tinh thần thần tốc bởi yếu tố “thời gian là vàng bạc”. Tiến sỹ Trần Du Lịch cho biết thêm:
"Nên đặt mục tiêu là làm sao tiến độ phải nhanh, bởi đây là con đường huyết mạch, sớm được ngày nào cái lợi trong vấn đề kinh tế của vùng càng lớn, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp. Dĩ nhiên chi phí xây dựng quan trọng nhưng yếu tố thời gian cũng rất quan trọng phải được quan tâm, không được kéo dài trong bất cứ tình huống nào."
Sắp tới khi Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách phát triển TP.HCM được Quốc hội thông qua, trong đó có một số cơ chế mới như việc khai thác thêm nguồn lực từ việc triển khai TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) trên dự án Vành đai 3… TP.HCM cũng vừa lập tổ công tác rà soát quy hoạch đô thị phục vụ kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất dọc hai bên tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM và theo tính toán nếu làm tốt, TP sẽ huy động được 30.000 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông. Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, ngay sau khi Nghị quyết được thông qua, TP cần phải cùng với các bộ, ngành Trung ương bổ sung nhiều văn bản để có đủ nền tảng pháp lý nhằm thực hiện các mục tiêu trên./.
Tin nổi bật
Tin Video