Khoảng 3,4 triệu lao động sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà
(VOVTV) - Khoảng 3,4 triệu lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình nêu rõ tại họp báo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức chiều 30/3 tại Hà Nội.
Buổi họp báo nhằm thông tin về Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Tại họp báo, ông Vũ Trọng Bình cho biết, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg là sự cụ hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc vừa thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 vừa nhằm phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Quyết định bảo đảm các nguyên tắc, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi kinh tế, để triển khai hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch, tránh xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách.
Theo ước tính ban đầu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khoảng 3,4 triệu lao động sẽ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà. Hai nhóm đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, với mức 500.000 đồng/người/tháng và 1.000.000 đồng/người/tháng. Thủ tục và việc triển khai chi trả tiền hỗ trợ sẽ thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách, Cục trưởng Vũ Trọng Bình cho hay.
Trả lời báo giới về mục tiêu chính sách, ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg nhằm chia sẻ, hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà ở để họ yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất cùng với người sử dụng lao động, hỗ trợ doanh nghiệp "giữ chân" được người lao động để có nhân lực cho phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để giữ chân người lao động làm việc, hạn chế việc phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu lao động. Đặc biệt, chính sách này cũng hướng tới mục tiêu thu hút trở lại những lao động do tác động của đại dịch COVID-19 đã phải rời bỏ thành phố về quê.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, hai năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã tác động đa chiều và để lại hậu quả lâu dài với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đã có hai đợt di chuyển lao động lớn xảy ra trong năm 2021 là đợt cuối tháng 7, đầu tháng 8/2021 và đợt đầu tháng 10/2021. Do e sợ dịch bệnh, lo ngại không có việc làm, thu nhập bấp bênh, không đảm bảo cuộc sống tại các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam..., khoảng 2,2 triệu người đang làm việc tại khu vực này đã trở về địa phương, gây ra nguy cơ thiếu hụt lao động cho khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.
"Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có vai trò quan trọng việc phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới. Để thực hiện hiệu quả, trách nhiệm địa phương rất quan trọng, đồng thời có xác nhận qua cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an để tránh trục lợi", Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin.
“Từ ngày 31/3, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại các địa bàn triển khai để đưa chính sách này với thủ tục đơn giản, rút gọn nhất để khoản tiền hỗ trợ sớm tới tay người lao động đang thuê nhà trọ, hoặc góp phần tạo động lực để người lao động sớm gia nhập thị trường lao động”, ông Lê Văn Thanh cho biết./.
Tin nổi bật
Tin Video