Tin tức

Khi thổ cẩm "xuống phố"

(VOVTV) - Bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, vải thổ cẩm chính là kết tinh của sự khéo léo, bàn tay và trí tuệ người phụ nữ Tây Bắc. Từ chất liệu, kiểu dáng, công dụng chỉ phục vụ nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số, các sản phẩm thổ cẩm giờ đây đã đến gần hơn với mọi người.

Tác giả Tùng Lâm / VOVTV
08/05/2021 19:10

Dệt thổ cẩm thủ công - Biểu tượng văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số

Tây Bắc được coi là mảnh đất hội tụ các nét đẹp văn hóa của bà con dân tộc thiểu số. Với đời sống sinh hoạt phong phú và những phong tục tập quán lâu đời, là cơ sở để hình thành các nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm. Những sản phẩm dệt được tạo ra gắn với bàn tay, trí óc, là sức sáng tạo của bao thế hệ gắn bó với nghề, với bản làng nơi núi rừng.

Trong gia đình mỗi dân tộc nơi đây, hầu như nhà nào cũng có khung cửi dệt. Những đồ dùng sinh hoạt trong nhà từ quần áo, chăn gối, chăn màn, địu... hay đến của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng cũng do chính tay người phụ nữ trong nhà dệt. Dệt vải được xem như tiêu chuẩn để đánh giá phẩm hạnh, sự khéo léo của phụ nữ.

Dệt thổ cẩm chủ yến bằng sợi bông, sợi tơ, len... được xử lý nhuộm màu, chàm với nhiều màu sắc bắt mắt.

Nét Tây Bắc giữa lòng Hà Nội - Ảnh 1.

Sợi bông. Ảnh: Chie Tây Bắc

Để hoàn thiện một tấm vải phải trải qua nhiều công đoạn, mất rất nhiều thời gian. Những sản phẩm tạo ra màu sắc đẹp mắt, hoa văn phong phú, đa dạng, độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, phản ánh phần nào lịch sử phát triển và đời sống của mỗi dân tộc.

Nét Tây Bắc giữa lòng Hà Nội - Ảnh 2.

Họa tiết voi luôn xuất hiện trên vải thổ cẩm của dân tộc Lào

Nét Tây Bắc giữa lòng Hà Nội - Ảnh 3.

Gắn liền với câu chuyện trong dân gian, họa tiết "cậu bé cưỡi voi" thể hiện sự kỳ diệu của tự nhiên

Nét Tây Bắc giữa lòng Hà Nội - Ảnh 4.

Họa tiết xoắn ốc khá phổ biến với người H'mong. Họ quan niệm con ốc có ở khắp mọi nơi, nơi nào có ốc sên là nơi đó có sự sống, là có thể dựng nhà làm nương

Nét Tây Bắc giữa lòng Hà Nội - Ảnh 5.

Khăn cưới của cô dâu Dao đỏ

Hình ảnh người phụ nữ ngồi bên khung cửi đã rất quen thuộc, gần gũi trong đời sống các dân tộc Tây Bắc. Nhiều dân tộc anh em ở đây đã và đang phát triển các làng nghề dệt, đem lại giá trị kinh tế như nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Thái, Lào, Hà Nhì... Tuy không phủ sóng trên diện rộng, nhưng cùng với sự nỗ lực của địa phương, nghề dệt thủ công truyền thống vẫn đang được gìn giữ, bảo tồn để phục vụ cho đời sống bà con và lớn hơn cả là mục đích văn hóa.

Đưa thổ cẩm "xuống phố"

Tuy nhiên, theo dòng chảy thời gian, một số làng nghề dệt thổ cẩm cũng dần bị mai một. Nhận thức được sự nghiêm trọng, nhiều không gian văn hóa được thành lập với mục đích tiếp thu tinh hoa văn hóa các dân tộc, lưu truyền và đưa nền văn hóa ấy đến gần hơn với cộng đồng.

Phòng trưng bày tại 66 Hàng Trống, Hà Nội là nơi lưu giữ các vận dụng, trang phục nguyên bản của nhiều dân tộc thiểu số

Khi thổ cẩm "xuống phố" - Ảnh 7.

Văn hóa các dân tộc được thể hiện rõ nét thông qua trang phục

Chị Thu Thủy (Hà Nội) là người nặng lòng với Tây Bắc. Chị mang một nỗi băn khoăn là làm thế nào để sản phẩm dệt, vải thổ cẩm của bà con dân tộc đẹp hơn, bền bỉ hơn với thời gian, để hòa nhập vào ngành công nghiệp. Dù khó khăn nhưng chị vẫn tự tìm lời giải đáp cho mình.

"Chúng tôi cùng với những đồng bào vùng Tây Bắc đã khám phá, nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất nhiều sản phẩm. Chính sự kết nối giữa các dân tộc, niềm tin, tính bền vững của nghề thủ công truyền thống và những duy mỹ cá nhân là mạch dây xuyên suốt giúp chúng tôi tiếp tục hành trình này. Dù khó khăn và không ít thử thách nhưng tôi tin rằng liên kết ấy sẽ bền bỉ như chính những sợi bông, sợi lanh mà chúng tôi vẫn hằng đang thêu dệt", chị Thủy cho biết.

Chị Thủy đã tìm tới nhóm bà con dân tộc thiểu số Tây Bắc để hợp tác, phát triển nghề thêu, dệt, may thành các sản phẩm có tính ứng dụng cao như quần áo, phụ kiện thời trang, đồ trang trí bằng vải...

Khi thổ cẩm "xuống phố" - Ảnh 8.

Mẫu áo thiết kế bằng chất liệu thổ cẩm

Nét Tây Bắc giữa lòng Hà Nội - Ảnh 7.

Đồ lót ly

Bên cạnh việc dám nghĩ, dám làm, sản phẩm thổ cẩm của chị Thủy còn mang tính sáng tạo với các họa tiết truyền thống kết hợp hiện đại. Chính sự sáng tạo độc đáo này đã nâng tầm giá trị sản phẩm dệt thổ cẩm.

Nét Tây Bắc giữa lòng Hà Nội - Ảnh 8.

Đồ trang trí với đa dạng mẫu mã

Balo, túi xách, túi đựng laptop... là những vận dụng quen thuộc hàng ngày cũng được may từ những tấm vải dệt thổ cẩm độc đáo

Những nỗ lực của chị Thủy nói riêng hay những người yêu mến nền văn hóa Tây Bắc nói chung đã đạt được nhiều thành quả nhất định. Trong đó phải kể đến việc truyền tải nét đẹp các sản phẩm thổ cẩm thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam tới du khách trong nước và bạn bè quốc tế.

Có thể nói, nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống của các dân tộc vùng núi Tây Bắc là nét văn hóa độc đáo. Ngày nay, nó đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của từng hộ gia đình, kinh tế xã hội, là sản phẩm được định hướng gắn với việc phát triển du lịch từng địa phương, gìn giữ văn hóa vùng miền.

Trong đời sống của các dân tộc, không thể thiếu sự tồn tại của các sản phẩm dệt thổ cẩm thủ công truyền thống. Và để khôi phục, bảo tồn và phát triển cần có sự chung tay của cả cộng đồng.

Ý kiến của bạn