Khi nền dân chủ Mỹ bị tổn thương
Suốt một năm qua, nước Mỹ đã quá quen với những cuộc biểu tình. Nhưng cuộc biểu tình mới xảy ra thực sự là một cú sốc, khi người ủng hộ ông Trump đột nhập vào tòa nhà Quốc hội Mỹ, gây ra hỗn loạn trong lúc các nghị sĩ nhóm họp cho việc xác nhận Tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 3/11/2020.
"Không phải là biểu tình, đó là cuộc nổi dậy"
Cuộc biểu tình ngày 6/1 là một sự kiện được báo trước. Viết trên Twitter nhiều ngày trước, Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo về một "cuộc biểu tình lớn" và "rất hoang dã" vào ngày Quốc hội nhóm họp để kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử ở các bang. Ông Trump kêu gọi những người ủng hộ "ở đó" - Điện Capitol - để khẳng định một "chiến thắng lớn".
Thậm chí, ông Donald Trump còn xuất hiện và nói chuyện trước hàng nghìn người ủng hộ trong cuộc mít tinh ở công viên Ellipse gần Nhà Trắng, khoảng một giờ trước khi Quốc hội tổ chức phiên họp chứng nhận phiếu đại cử tri ngày 6/1.
Phát biểu trước những người ủng hộ trung thành, Tổng thống Mỹ kêu gọi đoàn người kéo về tòa nhà Quốc hội để ủng hộ các nghị sĩ của đảng Cộng hòa ở hai viện, những người tuyên bố sẽ đứng về phía ông Trump phản đối kết quả bầu cử ở một số bang chiến trường.
Tuy nhiên, lời kêu gọi của Donald Trump đã vượt qua sự mong đợi của chính Tổng thống Mỹ. Hàng nghìn người đã tập trung trước Điện Capitol vẫy cờ, biểu ngữ và hô vang sự ủng hộ đối của Tổng thống đảng Cộng hòa. Tồi tệ hơn khi nhiều người quá khích đã trèo qua tường, đập phá cửa sổ và đột nhập vào tòa nhà Quốc hội, đe dọa sự an toàn của các nhà lập pháp trước sự phán kháng yếu ớt từ lực lượng bảo vệ pháp luật.
Hình ảnh những người biểu tình xuất hiện trong phòng họp, ngồi trên ghế chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ và xô xát với lực lượng bảo vệ tràn ngập trên mạng xã hội và các kênh truyền thông Mỹ, tạo nên một cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.
Tổng thống đắc cử Joe Biden đã phải lên tiếng chỉ trích, gọi hành động của những người ủng hộ ông Trump “không phải là một cuộc biểu tình, đó là sự nổi dậy”. Ông Biden và nhiều chính trị gia đã phải thúc giục ông Trump kêu gọi giản tán người biểu tình.
Nước Mỹ vốn tự hào có một nền dân chủ rộng rãi nhất lịch sử loài người đã bị “vấy bẩn” bởi những kẻ quá khích.
Nền dân chủ Mỹ bị tổn thương
Chứng kiến sự kiện gây chấn động này, các nhà lãnh đạo quốc tế cho rằng, phản ứng bằng bạo lực của đám đông người ủng hộ Tổng thống Trump tiến vào Điện Capitol là một hành động nguy hiểm và gây sốc ở một trong những nền dân chủ ổn định nhất thế giới.
Từ châu Âu đến châu Mỹ Latinh, các chính trị gia, công dân và chức sắc theo dõi sự kiện này với sự thất vọng, thậm chí là không tin nổi. Hành động của những người biểu tình vượt qua các vệ sĩ để tiến vào tòa nhà, ngăn chặn cuộc tranh luận về chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden của Đại cử tri đoàn cho thấy sự thật là luật pháp Mỹ đã bị phủ nhận.
Ở châu Âu, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas lên án hành động của đám đông, kêu gọi ông Trump và các đồng minh của ông trong một bài đăng trên Twitter, "ngừng chà đạp nền dân chủ bằng chân của họ" và chấp nhận kết quả bầu cử.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, đồng minh lâu năm của ông Trump thì cho rằng đó là “cảnh tượng đáng xấu hổ ở Quốc hội Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đại diện cho nền dân chủ trên toàn thế giới và điều quan trọng bây giờ là cần có một sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và có trật tự".
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết trên tài khoản Twitter chính thức của mình rằng người dân Canada “vô cùng lo lắng và đau buồn vì cuộc tấn công vào nền dân chủ” ở Washington. “Bạo lực sẽ không bao giờ thành công trong việc chế ngự ý chí của người dân. Nền dân chủ ở Mỹ phải được duy trì - và nó sẽ như vậy”, ông Trudeau viết trên Twitter.
Rất nhiều chính trị gia ở các nước đều bày tỏ sự ngạc nhiên và kinh hoàng trước những gì diễn ra ở tòa nhà Quốc hội Mỹ. Cựu tổng thống Mexico, Felipe Calderon, cho biết Hoa Kỳ đang nhìn thấy “thành quả của diễn ngôn dân túy” từ ông Trump, “bắt đầu bằng việc rút lại sự công nhận sự thật, và thao túng sự phẫn nộ chính trị của người dân và tiếp tục ủy quyền pháp quyền”.
Trong khi đó, cựu tổng thống Bolivia Jorge “Tuto” Quiroga gọi đó là “một kết thúc đáng buồn cho Tổng thống Trump và sự suy thoái sâu sắc hình ảnh của nền dân chủ của nước Mỹ”.
"Sự kiện này sẽ được lưu vào sử sách", người đàn ông ủng hộ Tổng thống Donald Trump có tên Sonya Fitzgerald nói to trên bậc thềm Đồi Capitol. Quả thật, 6/1 sẽ được ghi nhớ là một trong những ngày đen tối nhất lịch sử nước Mỹ.
Thay vì một ngày tượng trưng cho sự chuyển giao quyền lực hòa bình, 6/1 sẽ được nhớ đến như là một cuộc tổng phản công vào nền dân chủ Mỹ. Ở đó, tòa nhà Quốc hội bị xâm chiếm, đập phá, các phòng họp tại Thượng viện và Hạ viện – biểu tượng của nền dân chủ Mỹ - trở thành nơi để những kẻ quá khích thể hiện sự tò mò.
Đúng như lời của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Pat Toomey nói rằng “đây hoàn toàn là một nỗi ô nhục”. Còn nhà bình luận chính trị Will Jams đánh giá “chính trị đã trở thành yếu tố chia rẽ ở đất nước này và cuộc bạo loạn phản ánh điều đó".
Hàng loạt các quan chức Nhà Trắng đã tuyên bố từ chức sau sự việc, nhưng điều đó càng thể hiện sự bất lực của chính cơ quan hành pháp Mỹ. Mặc dù cuộc bạo loạn của những người biểu tình ở tòa nhà Quốc hội đã dừng lại sau lời kêu gọi “về nhà” của Tổng thống Trump, nhưng điều này vẫn tạo ra một tiền lệ xấu ở nước Mỹ.
Điều quan trọng, vụ bạo loạn làm nổi bật hình ảnh một đất nước đã bị chia rẽ sâu sắc và một nền dân chủ đã bị tổn thương nghiêm trọng trong suốt hơn một năm qua.
Lịch sử rồi sẽ phán xét Donald Trump và sự kiện ngày 6/1, và giờ đây, điều mà người Mỹ hy vọng chỉ là những cuộc biểu tình ủng hộ ông Trump sẽ không kéo nước Mỹ vào một cuộc nội chiến trong tương lai.
Tin nổi bật
Tin Video