Khi nào dịch COVID-19 ở Hà Nội được kiểm soát?
Theo các chuyên gia, nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát ở Hà Nội vẫn rất cao vì hiện nay có đa nguồn lây, đa ổ nhiễm. Nếu mỗi người dân thực hiện tốt trong thời gian giãn cách, Hà Nội sẽ sớm kiểm soát được tình hình.
Theo thống kê của CDC Hà Nội, từ ngày 27/4 đến nay, TP Hà Nội ghi nhận 974 ca dương tính với SARS-CoV-2, cụ thể số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 595 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 379 ca. Trong đó, nhiều ổ dịch nhỏ lẻ, bùng phát trong cộng đồng, thậm chí không xác định được nguồn lây.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhận định mặc dù tình hình dịch ở Hà Nội không phức tạp như TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn xuất hiện các ca mắc trong cộng đồng qua sàng lọc, vẫn có đa nguồn lây, đa ổ nhiễm nên nguy cơ dịch có thể bùng phát như tại TP.HCM bất cứ lúc nào.
Liên quan đến một ổ dịch mới vừa tấn công vào Bệnh viện Phổi Hà Nội, PGS Nhung cảnh báo về sự nguy hiểm cho các bệnh viện. Theo ông Nhung, dịch xâm nhập bệnh viện có nhiều nguyên nhân, có thể từ nguồn người bệnh đến khám mà khi thực hiện sàng lọc không hết; thứ hai là người nhà của bệnh nhân không tuân thủ nghiêm quy định và bệnh viện quản lý không chặt, việc người nhà bệnh nhân ra vào là nguy cơ đưa dịch từ ngoài vào trong bệnh viện; thứ ba là đối tượng nhân viên y tế có thể bị lây nhiễm từ bên ngoài.
“Các cơ sở y tế cũng phải rút kinh nghiệm ngay lập tức. Đây cũng là lời cảnh báo cho tất cả các bệnh viện, các cơ sở y tế cần triển khai sàng lọc, như mô hình sàng lọc 3 lớp của Bệnh viện Phổi Trung ương”- PGS Nhung nêu rõ.
Thực hiện tốt 15 ngày giãn cách, Hà Nội sẽ sớm kiểm soát dịch
Ông Nhung cho rằng Hà Nội vẫn có khả năng kiểm soát được tình hình khi thành phố đã áp dụng Chỉ thị 17 dựa trên nguyên tắc của Chỉ thị 16 của Chính phủ hợp lý và kịp thời, qua đó đảm bảo việc phòng, chống sự lây lan của dịch.
Vị chuyên gia này cũng đánh giá cao thành phố đã có những động thái phòng, chống dịch rất sớm. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ thị này phải thật nghiêm túc. Nếu không, Hà Nội sẽ lại rơi vào tình huống như một số tỉnh, thành phố thời gian qua.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng khi thực hiện nghiêm các quy định trong Chỉ thị 17 của thành phố, người dân thủ đô vẫn có thể hy vọng sớm kiểm soát được tình hình. “Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM hay một số địa phương có dịch đều là những bài học đắt giá khi virus lây lan mạnh nhưng giãn cách không nghiêm”- ông Phu nhấn mạnh.
Theo ông Phu, việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc người có triệu chứng ho, sốt trong cộng đồng hay giãn cách xã hội ngay khi dịch có dấu hiệu lây lan rộng là những việc làm khoa học, quyết liệt để sớm khoanh vùng, dập dịch.
Vị chuyên gia này cũng nhận định, hiệu quả của Chỉ thị lần này cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đáp ứng, ý thức của người dân. Chúng ta phải làm sao để người dân càng hạn chế ra đường, tiếp xúc, tụ tập đông càng tốt. Khi đó, chúng ta có thể hy vọng Hà Nội có thể sớm dập dịch sau 15 ngày giãn cách.
Sớm thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà
Trước diễn biến phức tạp của dịch tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam, cùng với sự thay đổi, nguy hiểm của biến chủng Delta, PGS Nguyễn Viết Nhung đánh giá cao TP Hà Nội đã có những biện pháp mạnh trong việc ngăn chặn dịch, trong đó đã yêu cầu những người đi từ vùng dịch về đều phải cách ly.
Ông Nhung cũng cho rằng, để đề phòng tình trạng virus lan rộng, Hà Nội cần thí điểm sớm việc F0, F1 có thể cách ly tại nhà. Điều này là phù hợp để cơ sở y tế, hạ tầng y tế đảm bảo có sự dự trữ, trong trường hợp cần phải chăm sóc y tế thì mới vào bệnh viện.
Theo PGS Nhung, trong thời điểm này, việc thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà rất cần cho Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác, vì thí điểm nghĩa là chúng ta có sự chủ động.
Điều quan trọng là cần theo dõi sức khỏe của F0 không triệu chứng để đáp ứng 2 yêu cầu: Không lây sang người khác, theo dõi bảo toàn tính mạng cho chính mình. Nếu theo dõi tốt thì có thể đáp ứng được. Theo thống kê, trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ và không triệu chứng chiếm khoảng 60%. Con số này nếu vào bệnh viện sẽ quá tải ngay lập tức với hệ thống y tế.
“Bài học rất rõ của Bắc Giang và TP.HCM, Hà Nội không nên để bị lặp lại bằng cách thí điểm, chủ động F0 cách ly tại nhà như thế nào, F0 cách ly tại bệnh viện như thế nào, F1 cách ly tại nhà như thế nào. Tất cả đều cần phải thí điểm và hoàn thiện mô hình để khi cần dùng đến là phải dùng ngay, phải dành thế chủ động thì chúng ta mới chiến thắng được dịch”- PGS Nhung cho biết.
Tin nổi bật
Tin Video