Giải trí

Khi bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế cũng… “biến chất”

Những nghi vấn như thâu tóm các bảng xếp hạng âm nhạc, mua bán lượt nghe và tải xuống... khiến các bảng xếp hạng trở nên mất uy tín.

05/11/2020 13:55
Khi bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế cũng… “biến chất” - Ảnh 1.

BTS bị cho là đã dùng mánh khóe để lọt vào Bảng xếp hạng Billboard hot 100

Muôn vàn chiêu trò gian lận

Vừa qua, làng giải trí Mỹ xôn xao khi tờ Rolling Stone đã có bài viết vạch trần sự gian lận của một hãng thu âm lớn. Cụ thể, tờ báo này thông tin đang nắm giữ 2.500 tin nhắn giao dịch giữa Steve Zap (người đứng đầu của hãng thu âm Artbeatz và công ty giải trí Z-Entertainment) với nhiều đài phát thanh, trong đó có Mitch Mills (Phó chủ tịch cấp cao phụ trách quảng cáo trên đài phát thanh của Elektra Records).

Các tin nhắn của cả hai được thu thập từ năm 2018 đến tháng 7/2020, liên quan đến các khoản thanh toán cho một đài phát thanh và dàn xếp thứ hạng trên BXH âm nhạc. Đáng nói hơn, đây là một trong những hoạt động bị cấm ở Mỹ.

Những tin nhắn của Zap cho thấy các hãng thu âm thường tìm cách tác động đến tần suất phát sóng bài hát trên đài phát thanh hòng đạt được các mục tiêu cụ thể trên bảng xếp hạng cho nghệ sĩ của họ.

Cũng theo bài báo, Steve Zap là trung gian, ông sẽ nhận tiền từ nghệ sĩ rồi liên hệ với Mitch Mills để trả một khoản tiền, nhờ họ phát các bài hát mà nghệ sĩ yêu cầu với tần suất lớn để bài hát có thể dễ bề thăng hạng trên BXH.

Tuy nhiên, phía Steve Zap và các đài phát thanh đã phủ nhận thông tin mà tờ Rolling Stone đưa ra. Ông khẳng định mình bị vu khống và cho rằng, bài báo đã cắt ghép các tin nhắn ra khỏi bối cảnh trò chuyện. Chưa kể, Rolling Stone cũng không có chứng cứ nào về việc Steve Zap nhận tiền hay thỏa thuận với phía nghệ sĩ.

Bê bối này tuy chưa ngã ngũ nhưng đã cho thấy những chiêu trò của giới nghệ sĩ để đưa sản phẩm của mình lên top trong các BXH. Justin Bieber hồi đầu năm 2020 từng bị chỉ trích khi đăng video hướng dẫn khán giả cách “cày” để tăng lượt nghe/tải bài hát của mình trên các nền tảng âm nhạc. Khi vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận, nam ca sĩ người Canada đã phải xóa đoạn video.

Selena Gomez cũng bị hứng “gạch” khi cố gắng đưa album “Rare” của mình lọt vào BXH Billboard Hot 100 bằng cách tự mua nhiều album nhất có thể.

Không chỉ riêng Mỹ, làng giải trí K-pop cũng đang đau đầu trước vấn đề gian lận các BXH. Vấn đề này được quan tâm từ năm 2018, khi bài hát “Pass By” của Nilo đứng đầu BXH Melon - nền tảng phát nhạc trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc. Đáng nói là, Nilo là ca sĩ vô danh.

Trang cá nhân chỉ có 14 người thích nhưng bài hát của anh lại có thể đánh bại sản phẩm của các nhóm nhạc có lượng fan lớn gần 10.000 lần (?!).

Cụm từ “sajaegi” để chỉ chỉ những kẻ gian lận trên các bảng xếp hạng ở Hàn Quốc. Park Kyung, thành viên của nhóm nhạc nam Block B từng đăng dòng chia sẻ mỉa mai nhắc tới những nhân vật trong làng nhạc: “Tôi cũng muốn làm sajaegi, như Vibe, Song Ha Ye, Lim Jae Hyun, Jeon Sang Keun, Jang Deok Cheol và Hwang In Wook”. Bài viết sau đó đã bị xóa nhưng khiến dư luận “dậy sóng”.

Trong phim tài liệu “Unanswered Question” của SBS, nghệ sĩ hiphop Tiger JK thừa nhận tình trạng gian lận BXH ở K-pop là có thật: “Tôi từng nhận được lời đề nghị 100 triệu won (khoảng 84.000 USD) để leo lên vị trí cao hơn trong BXH”.

Tại anh hay tại ả?

Khi bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế cũng… “biến chất” - Ảnh 2.

Bảng xếp hạng Melon lớn nhất Hàn Quốc cũng dính scandal nghi ngờ bị thâu tóm

Rapper 6ix9ine từng khẳng định: “Bạn có thể mua được vị trí số 1 trên Billboard. Thật không công bằng”. Mặc dù, lời nói của rapper này không đi kèm chứng cứ nhưng cũng làm dư luận hoang mang về tính minh bạch của các bảng xếp hạng âm nhạc hiện nay.

Phải chăng, các BXH âm nhạc ngày nay đã “biến chất” hay chính nghệ sĩ mới là những “đầu sỏ” đáng quan tâm?

Thực tế, chiêu trò dùng tiền để giành quyền phát sóng bài hát nhằm có vị trí cao trên BXH là thực trạng từ lâu đã tồn tại ở Mỹ. Cựu thống đốc New York Eilot Spitzer từng thẳng thừng tuyên bố, các hãng đĩa mua chuộc nhiều đơn vị phát thanh bằng những món quà “hỗ trợ quảng bá”, để các đơn vị đó sử dụng làm quà tặng cho thính giả.

Hong Seung Sung - người sáng lập Cube Entertainment ngán ngẩm lắc đầu: “Các BXH được coi là dẫn đầu ngành công nghiệp âm nhạc, nhưng họ đã trở thành con rối của những kẻ gian lận”.

Thế nhưng, có phải chỉ các hãng đĩa, các đơn vị phát thanh mới là “kẻ có tội” khi khiến uy tín của các BXH giảm đi?

Thời gian qua, đĩa đơn “Dynamite” của BTS khi 3 lần giành No.1 trên BXH Billboard Hot 100. Đĩa đơn này cũng ở vị trí số 1 trên hai BXH mới nhất của Billboard là Global 200 và Global 200 Exclusive U.S. Khán giả chỉ ra chiến lược của Big Hit Entertainment - công ty quản lý của BTS mang tính “gian lận” khi toàn bộ sản phẩm âm nhạc đều được bán ở mức giá thấp hơn so với bình thường nên dễ dàng tăng doanh thu nhạc số trên các nền tảng âm nhạc.

Đây được coi là một trong những mánh khóe trong thời buổi âm nhạc số hiện nay. Ngay việc của Justin Bieber và Selena Gomze cũng chỉ được coi là chiêu trò để đạt được mong muốn nhưng vẫn không vi phạm pháp luật.

Như nhận định của tạp chí Forbes, những gì khán giả đang cho là “gian lận” thực tế đang là xu hướng tại làng nhạc hiện nay, để đưa các ca khúc đạt được thành tích nhất định. Có khác là cách các nghệ sĩ thực hiện như thế nào.

Theo NPR, nhà phê bình văn hóa Kim Jak Ga cho biết ở K-pop, có một số trường hợp bị nghi ngờ đang thao túng bảng xếp hạng bằng việc tìm cách tác động lượt mua/nghe nhạc trực tuyến.

Điều này thường diễn ra vào khoảng thời gian từ 1h-7h sáng - thời điểm ít người dùng truy cập. Để ngăn chặn những hành vi này, một số trang web phát nhạc trực tuyến đã bắt đầu “đóng băng” các thứ hạng trên BXH vào khoảng thời gian trên.

Ý kiến của bạn