Tin tức

Khát vọng khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số

(VOVTV) - Với tư duy đổi mới, nghị lực của tuổi trẻ, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk đã nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo, bước đầu đạt được những thành công nhất định trên con đường lập thân, lập nghiệp, vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho lao động địa phương. Từ đó, đánh thức khát vọng làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Tác giả Nam Trang / VOV Tây Nguyên
25/01/2021 16:49

Anh Y Knáp (SN 1989, dân tộc M’Nông), xã Ea Mroh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đã khởi nghiệp thành công với nghề làm rượu. Trước đó, anh từng có 3 năm làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh sau khi tốt nghiệp Đại học ngành công nghệ điện tử viễn thông. Đến khi kết hôn, anh đã bỏ việc và theo vợ về buôn Ea Mroh, huyện Cư M’gar để lập nghiệp.

Khát vọng khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Y Knap đóng gói rượu cần để giao cho khách

Sống tại quê vợ là người Ê đê, nhưng anh luôn đau đáu với nghề làm rượu cần truyền thống của dân tộc M’Nông. Anh đã bàn với vợ, và quyết tâm trở lại quê nhà, tìm các ông, bà biết nấu rượu cần để học nghề. Sau 6 tháng học nghề, anh bắt đầu nấu rượu cần bán và đặt tên thương hiệu là rượu cần “Ama Tâm”.

Sau hơn 2 năm khởi nghiệp, hiện mỗi tháng anh bán ra thị trường từ 30-50 ché rượu cần. Riêng dịp Tết năm nay, anh đã nhận được đơn hàng lên đến gần 200 ché. Anh Y Knáp cho biết, việc đơn hàng ngày càng nhiều và thị trường ngày càng được mở rộng, chính là tiền đề quan trọng để anh tiếp tục phát triển nghề nấu rượu cần truyền thống

Khát vọng khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Y Knap đóng gói rượu cần để giao cho khách

Còn anh Y Cuông M’lô (1985) ở buôn Dhu, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ đã thành công trong việc khởi nghiệp bằng cách thành lập tổ hợp tác xã chăn nuôi dê. Trước đó, anh từng nhiều năm trồng và chăm sóc 6 sào cà phê nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Điều này khiến anh Y Cuông M’lô cảm thấy nản lòng.

Không chịu khuất phục khó khăn, anh Y Cuông đã đi tìm hiểu, học hỏi các mô hình làm kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương và gia đình. Nhờ sự hỗ trợ của Thị đoàn và phòng kinh tế thị xã Buôn Hồ, tháng 7 năm 2020, anh Y Cuông đã thành lập tổ hợp tác xã chăn nuôi dê.

Với nguồn vốn hỗ trợ 70%, anh Y Cuông đã mua 25 con dê về chia cho 4 thành viên của tổ hợp tác. Sau hơn 5 tháng chăm sóc, hiện đàn dê của tổ hợp tác đã lên đến 39 con. Anh Y Cuông dự tính, với tốc độ 1 con dê mẹ mỗi lứa sinh sản từ 1-3 con và 1 năm sinh sản 2 lứa, đến cuối năm 2021, đàn dê của tổ hợp tác sẽ tăng gấp 4 lần. Với giá bán từ 115.000 đến 130.000 đồng/1kg thịt dê đây được xem là mô hình hiệu quả,mở ra hướng đi mới cho vùng nông thôn.

Anh Y Chinh Bkrông, ở buôn Kala, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, được nhiều bạn trẻ biết đến nhờ hiệu quả của mô hình trồng nấm. Anh Y Chinh cho biết: Năm 2016, sau khi tham gia lớp học nghề trồng nấm tại Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana, anh quyết định mượn gần 30 triệu đồng để xây dựng nhà nấm với tổng diện tích gần 100 m2.

Khát vọng khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Từ hiệu quả của việc trồng nấm, Y Chinh hy vọng, mô hình này sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế mới tại địa phương

Sau 4 năm làm nấm, hiện anh đã mở rộng được 3 nhà trồng nấm và một nhà làm phôi nấm với diện tích gần 1000m2. Mỗi năm, anh bán ra thị trường 5 tấn nấm bào ngư và nấm sò. Lợi nhuận mang lại hơn 150 triệu đồng/năm.Theo anh Y Chinh, lợi thế của nghề trồng nấm là vừa dễ làm, dễ kiếm nguyên liệu, đầu ra ổn định lại không đòi hỏi nhiều công lao động mà có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi.

Anh Y Lê Pas Tơr - Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Đắk Lắk cho biết, hiện này trên địa bàn tỉnh có rất nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã và đang ấp ủ những khát vọng, hoài bão, mong muốn được giúp đỡ, hỗ trợ để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế hành trình khởi nghiệp của những thanh niên này còn gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật, điều kiện tự nhiên, chưa có sự liên kết… nên chưa có mô hình nào có quy mô lớn, hầu hết chỉ là nhỏ lẻ.

Thời gian tới, tỉnh đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, có những định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số để họ mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, vay ưu đãi để phát triển kinh tế phù hợp, tiến hành nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả. Đồng thời tích cực vận động thanh niên tại các thôn, buôn khó khăn tham gia phát triển kinh tế, chủ động cải thiện cuộc sống.

Với những gì đã làm được, thanh niên dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk một lần nữa khẳng định được bản lĩnh, quyết tâm của tuổi trẻ địa phương trong việc phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Từ đó, góp phần đánh thức và khai thác hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ý kiến của bạn