Khi khán giả sẽ là 'thẩm phán'
Sự thay đổi nhanh chóng về xu hướng giải trí trên toàn cầu đã khiến nhiều tiêu chuẩn cũ không còn phù hợp. Trong đó, câu chuyện về hát nhép có thể coi là một ví dụ điển hình. Điều này đặt ra cho cơ quan quản lý yêu cầu nắm bắt, thậm chí đón đầu xu hướng nghệ thuật, giải trí để đưa ra những quy định phù hợp, qua đó thúc đẩy nghệ thuật phát triển.
Hát nhép - từ “tội đồ” thành xu hướng
Hát nhép (lip-sync) từng bị coi là hành vi lừa dối khán giả, nhưng nay đã trở thành một loại hình nghệ thuật có khả năng sinh lợi cao.
Vào ngày 19-11-1990, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật thu âm quốc gia Hoa Kỳ đã lần đầu tiên (và duy nhất cho đến nay) thu hồi giải Grammy của bộ đôi nhạc pop Milli Vanilli sau khi nhà sản xuất âm nhạc Frank Farian tiết lộ rằng cặp đôi này "không hát một nốt nào" trong album đạt nhiều đĩa bạch kim “Girl You Know It’s True” năm 1989 của họ.
Ngay lập tức, sự nghiệp đỉnh cao của họ tan tành và hai “gương mặt đóng thế” Fab Morvan và Rob Pilatus trở thành tội đồ. Scandal này đã trở thành vụ bê bối hát nhép lớn nhất trong lịch sử văn hóa đại chúng và là “gương tày liếp” cho những nghệ sĩ có ý định hát nhép để lừa khán giả.
Thế nhưng, vào tháng 10/2020, TikToker (người làm nội dung trên mạng xã hội TikTok) Addison Rae Easterling đã được đề cử cho giải People's Choice mặc dù cô gái 20 tuổi người Mỹ này nổi tiếng nhờ tài nhảy múa và hát nhép. Hiện cô có 65 triệu người theo dõi trên TikTok đồng thời có dòng mỹ phẩm của riêng mình. Sự khác biệt lớn, tất nhiên, là Easterling không lừa dối bất cứ ai; cô là một trong số 800 triệu người dùng tích cực bắt chước các bài hát ghi âm trên ứng dụng TikTok.
Ngày nay, hát nhép có mặt ở khắp mọi nơi, thậm chí có cả trong các chương trình truyền hình nổi tiếng dành riêng cho việc... thi đấu hát nhép như Lip Sync Battle và RuPaul's Drag Race của Mỹ. Trong cuốn sách năm 2006 “Performance and Popular Music: History, Place and Time”, học giả Ian Inglis lập luận rằng sự phụ thuộc của chương trình MTV vào “các ca sĩ nhạc rock ăn ảnh và các video nổi bật” đã bình thường hóa việc hát nhép, vì người xem mong đợi những màn trình diễn phức tạp trong các chương trình trực tiếp.
Sau đó, hát nhép đã được chấp nhận rộng rãi, thậm chí được nhiều khán giả theo dõi, đem lại nguồn thu khổng lồ cho các nghệ sĩ như một hình thức giải trí thú vị.
Elizabeth L Cohen, giáo sư nghiên cứu về giao tiếp tại Đại học West Virginia, cho biết: “Hát nhép bước vào thời kỳ hoàng kim bởi nó mang lại sự phân tâm dễ chịu, giúp người nghe thoát khỏi những thứ nghiêm trọng và căng thẳng hơn đang diễn ra. Hát nhép đòi hỏi một chút năng khiếu nhưng không nhiều, vì vậy, đó là thứ cực kỳ dễ tiếp cận đối với nhiều người tham gia”.
Nghệ sĩ chịu trách nhiệm với quyết định của mình
Hát nhép chỉ là một trong vô vàn những vấn đề rất được quan tâm của văn hóa đại chúng ở cả Việt Nam và trên thế giới. Cách thức giải quyết vấn đề này ở nhiều quốc gia cho thấy họ dành quyền quyết định cho khán giả.
Tuy nhiên, vấn đề này cần phải được nhìn nhận một cách sòng phẳng. Trước đây, nhiều nghệ sĩ coi trọng, hoặc muốn được coi trọng tính chân thực của tài năng nên đã từ chối hát nhép, việc hát nhép bị cấm ở nhiều nước do lo ngại nghệ sĩ sẽ lừa dối công chúng. Ngày nay, việc hát nhép cũng chỉ được chấp nhận rộng rãi nếu đó là cách làm công khai, không mang ý nghĩa lừa dối.
Nhiều nghệ sĩ biết cách sử dụng hát nhép như một phương thức để sáng tạo ra những sản phẩm mới, có ý nghĩa giải trí cao đối với cộng đồng. Việc hát nhép không còn được luật hóa mà để ngỏ để khán giả tự quyết định. Quyết định của khán giả liên quan tới sự sống còn của một nghệ sĩ, do đó, nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm với quyết định nghệ thuật của mình.
Siêu sao quốc tế Adele là một ca sĩ chuyên nghiệp không chỉ hát đầy nội lực mà cô còn có thể ứng biến khi hệ thống âm thanh gặp sự cố. Tài năng, sự nghiêm túc của cô đã chạm đến trái tim của mọi người.
Đây là điều giúp cô trở thành một ngôi sao nhạc pop quốc tế. Nhưng cũng có nhiều ngôi sao đang nổi bị hủy hoại sự nghiệp vì hát nhép. Hay ngay kể cả khi đang là xu hướng, việc hát nhép trên các nền tảng giải trí trực tuyến cũng chỉ được xem là hiện tượng giải trí nhất thời. Trong bối cảnh đó, lựa chọn con đường nào là việc của người nghệ sĩ.
Ở Việt Nam, hoạt động giải trí và những phản ứng của khán giả cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó. Chính vì vậy, việc không đưa vào luật điều khoản cấm hát nhép, đàn nhái cũng là cách làm phù hợp.
Tin nổi bật
Tin Video