Khám phá

Khammouane và câu chuyện đậm tình nghĩa Lào - Việt

Đến bây giờ, tôi vẫn không quên ấn tượng của lần đầu tiên đến Khammouane. Đó là chuyến chạy xe xuyên đêm khi nghe tin đập thủy điện Sepian Senamnoy ở Attapeu - Nam Lào bị vỡ cuối tháng 7 năm 2018. Sang Lào chưa đầy 2 tháng, đường sá chưa quen, lại nghe nói phải chạy gần 800km, tôi chờn. Đành đi nhờ xe mấy anh em thường trú VTV, TTXVN tại Lào trong tâm trạng hồi hộp về những câu chuyện sắp phải chứng kiến của người dân vùng lũ Nam Lào.

05/10/2020 11:08

Tượng đài Liên minh chiến đấu Lào Việt ở thị xã Thkhek - Khammouane 

Bỏ dở cuộc làm việc với Đoàn công tác của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tại Học viện Chính trị quốc gia Lào chiều 24 tháng 7 sau khi nghe tin vỡ đập thủy điện ở Attapeu, mấy anh em báo chí Việt Nam tại Lào chạy vội về nhà lo thu xếp hành trang để đi Nam Lào. Rời Vientiane lúc 8 giờ tối, ô tô xé mưa lao vun vút trong đêm. Nhà cửa, làng mạc của người Lào thưa thớt hiện lên nhoang nhoáng qua cửa xe. Gần 1 giờ sáng thì đến Khammouane. Những ngọn đèn đường không đủ sáng trong khi trời vẫn mưa vẫn xối xả. Một ngôi đền bên bờ sông với cặp tượng Rắn thần như bò lên từ dòng nước Mekong đục ngầu đang cuồn cuộn chảy gợi cho tôi cảm giác rờn rợn giữa đêm khuya.  

Giờ thì đã 2 năm quay lại với Khammouane, mảnh đất miền Trung Lào kẹp giữa một bên là dòng Mekong, một bên là dãy Trường Sơn hùng vĩ này đã quá quen thuộc với tôi. Từ thị xã Paksan của Bolikhamxay, gần 3 giờ ngồi ô tô, chúng tôi đã bỏ lại sau lưng 200km để có mặt ở thị xã Thakhek - tỉnh lỵ của Khammouane. Con sông Mekong vừa làm biên giới giữa tỉnh Khammouane của Lào với tỉnh Nakhonphanom của Thái Lan, vừa là khoảng không gian thoáng đãng để cái thị xã yên bình này thêm phần thơ mộng với những hàng cây thốt nốt cao vút tỏa bóng trên những mái chùa cổ kính, những gốc phượng vĩ xù xì oằn mình cõng những tràng hoa đỏ rực như đổ lửa xuống dòng sông trong buổi trưa hè.  

Con đường ven sông Mekong bây giờ là nơi tập trung nhiều khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, chợ ẩm thực đêm, các dịch vụ vui chơi giải trí... Dẫu chưa sầm uất, sang trọng như phố phường của tỉnh Nakhonphanom bên kia bờ sông, nhưng đêm về, thị xã Thakhek cũng rực rỡ ánh đèn cùng không khí nhộn nhịp của một phố thị phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ. Trong đó, có sự góp mặt của cộng đồng người Việt tại đây. Ở Thakhek, không khó để tìm những quán ăn đậm chất ẩm thực Việt cho những ai muốn một chút nhớ nhung về quê nhà.

Miền đất của những câu chuyện nghĩa tình Việt – Lào

Xa quê hương đất nước sang Lào lập nghiệp, cộng đồng người Việt tại Khammouane mang theo đức tính chịu thương chịu khó và khát vọng vượt lên đói nghèo. Bà con luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau từ vốn liếng buôn bán đến việc làm, cùng dắt tay nhau bước qua những tháng năm khốn khó để ai cũng có cuộc sống khấm khá như bây giờ. Thật vui khi nghe ông Phạm Văn Kính - Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Khammouane cho biết: “nhiều Việt kiều nhờ biết làm ăn buôn bán mà giàu lên. Có của ăn của để, nuôi con học đại học, nhiều người còn cho con đi du học nước ngoài nữa đấy.”   

Như một cơ duyên, hơn trăm năm trước, người Việt Nam đã bắt đầu sang Lào tìm đất mới và Khammouane là một trong những vùng đất được chọn. Người Việt ở Khammouane hầu hết đến từ các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa của tỉnh Quảng Bình. Ngôi làng Việt ở bản Xiengvang, huyện Noongbok, cách thị xã Thakhek hơn 30km về phía Nam bây giờ đã đến thế hệ thứ 4, thứ 5. Dù xa quê bao năm, dù đã được nhập quốc tịch Lào, bà con vẫn luôn có ý thức gìn giữ nếp nhà. Trong gia đình mọi người vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Những nghề thủ công mang theo từ quê hương bản quán vẫn được trao truyền qua nhiều thế hệ. Bún, miến, bánh ít lá gai của người làng Việt ở Xiengvang ngon có tiếng đã có mặt khắp trong và ngoài tỉnh.  

Đình làng Xiengvang được bà con thuê thợ Huế sang thi công nên từ kiến trúc bên ngoài đến cách bài trí, hoa văn, họa tiết trang trí bên trong đều mang dáng dấp những ngôi đình làng Việt ở miền Trung. Xuân thu nhị kỳ, năm nào dân làng cũng tổ chức lễ tế thần, bày tỏ lòng tri ân với tiền nhân có công khẩn đất lập làng, nguyện cầu cho quốc thái dân an, nhắc nhở cháu con chí thú làm ăn, sống yêu thương chan hòa, giữ gìn văn hóa cội nguồn, hướng về quê Cha đất Tổ.    

Cũng tại ngôi làng ven sông này, cách nay hơn 90 năm, trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, từ Nakhonphanom của Thái Lan, Bác Hồ đã vượt sông Mekong sang Xiengvang xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị lực lượng cho việc khởi nghĩa giành chính quyền sau này của nhân dân Lào. 

Thành kính tưởng nhớ Người, dân làng Xiengvang đã tự nguyện hiến đất để xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giữa không gian thoáng đãng của vùng quê bên dòng sông Mekong thơ mộng, từ nhiều năm nay, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng rực như đóa sen, trở thành một địa chỉ quen thuộc đối với nhiều đoàn khách tham quan viếng Bác mỗi khi có dịp đến với Khammouane. Người dân Xiengvang luôn tự hào được góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Lào, vinh dự đặt thêm một dấu gạch nối góp phần vun đắp cho mối tình hữu nghị Việt – Lào.   

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Xiengvang 

Dòng Mekong bao năm vẫn êm đềm soi bóng những ngôi chùa cổ kính, những ngôi nhà cao tầng ngày càng nhiều, những hàng cây thốt nốt cao vút ven bờ của thị xã Thakhek. Dòng sông ấy đã từng nhuốm máu một chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam – Anh hùng LLVT nhân dân - Tham mưu Trưởng Liên quân Lào Việt Lê Thiệu Huy - người con của đất Hà Tĩnh - người đã dùng thân mình che đạn Pháp, cứu sống Hoàng thân Souphanouvong khi Hoàng thân và lực lượng Pathet Lào đang trên xuồng vượt sông Mekong sang Thái Lan lánh nạn. Tượng đài Liên minh chiến đấu Lào - Việt được xây dựng ngay đầu thị xã Thakhek cùng nhà trưng bày hình ảnh, tư liệu trong khu lưu niệm Hoàng thân Souphanuvong chính là tình cảm, sự biết ơn của thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh xương máu của những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh gìn giữ độc lập, tự do của nhân dân Lào.    

Miền đất đầy năng động bên dòng Mekong 

Nằm ở vị trí trung tâm của trục giao thông Bắc - Nam của Lào, lại có quốc lộ 12 xuyên từ Việt Nam qua cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) kết nối với Thái Lan qua cầu Hữu Nghị và cửa khẩu Lào - Thái 3, Khammouane có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc phát triển mạnh thương mại dịch vụ. Hàng hóa của Thái, Lào theo Quốc lộ 12 về đến cảng nước sâu Vũng Áng cách đó hơn 200km, rồi tỏa đi các tỉnh thành khác của Việt Nam, thậm chí sang tận Trung Quốc. Vì vậy, những năm gần đây, Khammouane tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Thị xã Thakhek bây giờ cũng đã khang trang hơn. Đường sá mở rộng, phố phường đông đúc, nhà cửa khang trang, bến xe, chợ, siêu thị ngày càng nhiều với đầy đủ các thương hiệu hàng hóa của Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc...

Cầu Hữu Nghị Lào - Thái 3 nối tỉnh Nakhonphanom (Thái Lan) với Khammouane (Lào) 

Trong tương lai, khi dự án đường sắt Vũng Áng – Vientiane được xây dựng chạy qua Khammouane, nơi đây sẽ là điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng của khu vực, một vùng kinh tế phát triển năng động của Lào.   

Tuy vậy, hơn 53% diện tích của Khammouane vẫn là đồi núi với 28% dân số và hơn 46% diện tích tích của tỉnh là đồng bằng, là nơi sinh sống của 72% dân số còn lại. Khammouane đã tìm hướng bứt phá bằng cách tích cực mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực khai thác khoáng sản, năng lượng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ logistic... Riêng khoáng sản, Khammouane có trữ lượng lớn về đá vôi, muối mỏ, thiếc, thạch cao, sắt, than đá, barit, thạch anh... trong đó có một số mỏ đã được khai thác với 3 Nhà máy xi măng đã hoạt động... xuất khẩu khoáng sản đang chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu của  tỉnh. 

Với hơn 1 triệu ha rừng, trong đó 800.000ha là rừng nguyên sinh chính là nguồn tài nguyên vô tận để Khammouane phát triển mạnh mẽ du lịch, năng lượng. Hiện Nhà máy thủy điện Namtheun2, công suất thiết kế 1.080 MW và dự án Nhà máy thủy điện Namtheun Hinboun, công suất 500 MW đã đi vào hoạt động, một số thủy điện quy mô vừa và nhỏ đang xây dựng có công suất từ 15 đến 33 MW đang xây dựng... nhiều dự án thủy điện, điện gió và điện năng lượng mặt trời đã ký biên bản nghiên cứu tính khả thi.  

Từ khi có cầu và cửa khẩu Hữu Nghị 3, Khammouane tiến hành xây dựng Khu kinh tế đặc biệt Thakhek trên diện tích hơn 1.000 ha. Ngoài ra còn có Khu kinh tế đặc biệt Phoukhieu diện tích 4.850 ha và khu thương mại - công nghiệp Langkhang, diện tích gần 580 ha ở khu vực biên giới Lào - Việt Nam.  Nhờ nằm ở vị trí cửa ngõ giao thương giữa ba quốc gia Lào, Thái Lan, Việt Nam mà chỉ trong thời gian ngắn, Đặc khu kinh tế Thakhek đã thu hút hàng chục dự án với tổng vốn đầu tư gần 13 tỉ USD và hơn 4 tỉ USD vốn đăng ký, trong đó có 15 dự án trong nước, 2 dự án nước ngoài và 5 dự án liên doanh. 

Điều đáng nói là đã có 19 dự án  do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào tỉnh Khammouane với tổng vốn 500 triệu USD hoạt động trong các lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, khách sạn, thương mại, vận tải, gỗ mỹ nghệ...   

Hang động Kong Lo với vẻ đẹp hiền hòa trong Vườn quốc gia Hin Namno     

Tiếp giáp với Quảng Bình ở phía tây của dãy Trường Sơn, Khammouane có nhiều Khu bảo tồn, Rừng đặc dụng, Vườn quốc gia như Nakai-Namtheun, Phou Hinboun, Hin Namno... với hệ sinh thái núi đá vôi phong phú chứa đựng trong lòng nó nhiều dòng sông ngầm, hang động. 

Du lịch mạo hiểm ở núi Phou phaman - Khu bảo tồn Nakai Namtheum - Khammouane 

Đó là hệ thống hang động rộng lớn Khounex và dòng sông ngầm dài đến 7 km sát biên giới Việt - Lào trong Vườn quốc gia Nakai-Namtheun; là động Konglo ở Vườn quốc gia Phou Hinboun với cảnh sắc lung linh, kỳ ảo nhờ vô số thạch nhũ đẹp không kém cạnh gì so với những hang động ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng của Việt Nam. Đây thực sự là những điểm đến hấp dẫn du khách thích khám phá, chinh phục thiên nhiên và ưa mạo hiểm.

Con đường ven sông Mekong của thị xã Thakhek tập trung nhiều khách sạn, dịch vụ du lịch 

Khu bảo tồn quốc gia Hin Namno và Vườn quốc gia Nakai-Namtheun đang được Bộ Thông tin Văn hóa Du lịch Lào và tỉnh Khammouane lập hồ sơ trình trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam cũng đã có chương trình phối hợp giúp Lào trong việc điều tra, lập hồ sơ về khu di sản này. 

Phong cảnh êm đềm trong Khu bảo tồn Nam Hinboun - Khammouane  

Nếu được, đây sẽ là cơ hội để Khammouane làm tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản, phục vụ sự phát triển của ngành du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương./. 

Vân Thiêng - Đặng Thùy/VOV Lào

Ý kiến của bạn