Khám phá những tọa độ check in cực xanh tại Pleiku
Thong dong giữa một cánh rừng yên bình xen lẫn hai màu xanh - vàng hay lắng mình nhìn mặt nước hồ trong veo, thức dậy trong tiếng chim sẻ hót vang trời… Thu này hãy đắm mình vào lòng mẹ thiên nhiên ở cao nguyên Pleiku.
Thu đến rồi hãy rủ nhau lên cao nguyên Pleiku xinh đẹp để tìm về với cánh rừng xanh, con đường đất nối dài buôn làng hay Biển Hồ T’Nưng xanh biếc... chậm lại và tận hưởng vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên. Hãy cùng chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình "ôm trọn" thiên nhiên vào lòng, trở về với những điều hoang sơ nhất để chữa lành cho tâm hồn mình.
Biển hồ T’Nưng
Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 7km theo hướng Tây Bắc. Biển hồ T’Nưng chính là biểu tượng của thành phố Pleiku, từng là miệng núi lửa, nước hồ xanh ngọc bích thăm thẳm bao quanh là rừng thông bạt ngàn, cực kỳ đẹp.
Cái tên Tơ Nưng còn được gọi là T’Nưng hay Tơ Nuêng theo tiếng địa phương, nghĩa là "biển trên núi", khi có gió to, mặt hồ thường tạo sóng nên mới gọi là Biển Hồ.
Con đường dẫn lên hồ T’Nưng với những rặng thông già hai bên, bạn sẽ bắt gặp bức tranh mang vẻ đẹp mơ màng, đặc biệt vào buổi sáng sớm. Biển hồ Pleiku đẹp vào mọi thời điểm trong ngày, nhưng có lẽ đẹp nhất là khoảnh khắc bình minh lên và hoàng hôn buông xuống.
Biển hồ chè
Đồi chè nằm phía bờ Bắc Biển Hồ cách thành phố Pleiku khoảng 13km, kết hợp giữa hồ nước thủy lợi và nương chè bạt ngàn nên được gọi là Biển hồ chè. Đây cũng chính là đồn điền chè đầu tiên của người Pháp ở Gia Lai, xây dựng vào những năm thế kỷ thứ 20.
Để đến với đồi chè, bạn sẽ không chỉ đi qua con đường quốc lộ mà còn qua những con đường đất nhỏ đầy thơ mộng hay những rặng hoa cúc vàng rực rỡ trong nắng. Gặp gỡ người dân đi làm rẫy, đám trẻ con dắt tay nhau đi học đi chơi… tất cả như một bức tranh đầy thơ mộng.
Chùa Minh Thành
Chùa cách thành phố Pleiku tầm 2km, toạ lạc ở số 348 đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú.
Chùa Minh Thành là địa điểm không nên bỏ lỡ nếu bạn đến Gia Lai, bởi lối kiến trúc xây dựng khá giống với những ngôi đền của Nhật Bản.
Yên bình, nên thơ và đẹp nến nao lòng là tất cả những gì có thể nói về ngôi chùa này.
Nhà thờ gỗ Kon Tum hơn 100 tuổi
Được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, thiết kế với lối kiến trúc Roman cổ điển kết hợp với kiểu nhà sàn truyền thống của đồng bào Ba Na nơi đây. Do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng vào năm 1913 đến đầu năm 1918 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng cho đến nay.
Ngày nay nhà thờ gỗ Kon Tum hơn 100 tuổi đã trở thành biểu tượng của vùng đất Tây Nguyên, là niềm tự hào của người dân Thành phố Kon Tum và Thành phố Pleiku.
Núi lửa Chư Đăng Ya
Nếu hồ T’Nưng được biết đến như một tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng cho người dân phố núi Pleiku, thì ngọn núi lửa Chư Đăng Ya lại thu hút du khách bởi nét đẹp hoang sơ đầy quyến rũ. Theo tiếng đồng bào J’rai, Chư Đăng Ya có nghĩa là củ gừng dại.
Đây là một trong những ngọn núi lửa đã từng hoạt động dữ dội ở vùng đất Tây Nguyên cách đây hàng triệu năm. Từ trên cao nhìn xuống, ngọn núi tựa như một cái phễu khổng lồ, miệng núi tròn rỗng mang sắc đỏ màu mỡ đã được những lớp nham thạch tạo nên qua hàng triệu năm lịch sử.
Pleiku không có những trung tâm thương mại hiện đại, không khu vui chơi giải trí hay resort sang chảnh nhưng nơi đây có những cánh đồng cỏ hồng bát ngát cả một vùng đồi, hàng hoa dã quỳnh rực rỡ, con đường đất đỏ nối dài những hàng cây yên bình...
Cái cảm giác thấy mình bé nhỏ trước thiên nhiên hay những nụ cười bất giác khi phóng xe máy trên đường mà chẳng vì bất cứ lý do gì cụ thể cả. Chỉ đơn giản là bạn thấy lòng hân hoan quá, có thể ôm trọn cả đất cả trời vào lòng. Đó chính là điều kỳ diệu của mảnh đất này dành tặng cho những vị khách làm quà mang về. Hè đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc mãi rồi sao không thử lên núi một chuyến, ghé Pleiku - thành phố đầy nắng và gió với rất nhiều điều thú vị.
Tin nổi bật
Tin Video