Tin tức

Khám phá Cung Vương Phủ - Dinh thự của 'đệ nhất tham quan' Hòa Thân

(VOVTV) - Người Trung Quốc có câu: “Một tòa Cung Vương Phủ, nửa bộ sử nhà Thanh”, bởi nó đã trải qua lịch sử của triều đại này từ thời hoàng kim đến khi suy tàn. Đặc biệt hơn khi Cung Vương Phủ lại là biệt phủ của Hòa Thân, quan tham số một trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.

Tác giả Bích Thuận/VOV Bắc Kinh
17/04/2023 17:29

Người Trung Quốc gọi Hòa Thân là “người giàu nhất thế giới thế kỷ 18”. Do vậy, Cung Vương Phủ cũng được mệnh danh là “Dinh thự xa hoa nhất triều đại nhà Thanh”. 

Cung Vương Phủ có diện tích hơn 60.000m2, chia làm 2 phần, gồm phủ đệ và hoa viên. Điện Ngân An, nơi Hòa Thân làm việc và tiếp khách, còn được gọi là Ngân Loan điện, ngầm so sánh với nơi làm việc của vua là Kim Loan điện ở Cố Cung. Hòa Thân có một câu nói hết sức nổi tiếng mỗi khi nhận tiền của ai đó: “Ta không lấy tiền của ngươi, mà là ta cầm tiền của ngươi làm việc ngươi cần. Đây là tiền ngươi phải bỏ ra".

Khám phá Cung Vương Phủ - Dinh thự của đệ nhất tham quan Hòa Thân - Ảnh 1.

Cung Vương Phủ ở thủ đô Bắc Kinh

Trong Cung Vương Phủ, có 2 nơi phần nào cho thấy sự giàu có của Hòa Thân. Thứ nhất là nơi ở của ông ta và thứ hai là lầu Tàng Bảo, tức nơi chứa những báu vật mà ông ta vơ vét được trong thời kỳ là “đệ nhất sủng thần” của vua Càn Long. Tích Tấn Trai là nơi ở của Hòa Thân cùng 9 người vợ. Bên trong có những cột nhà mà theo nhận định của các nhà sử học mỗi cây có giá tới 2,7 tỷ NDT (gần 9.500 tỷ đồng).

Khám phá Cung Vương Phủ - Dinh thự của đệ nhất tham quan Hòa Thân - Ảnh 2.

Tích Tấn Trai, nơi ở xa hoa của Hòa Thân

Cột này được làm từ một loại gỗ mà Trung Quốc gọi là gỗ đế vương, có tên là Trinh Nam. Mùi hương của loại gỗ này thoang thoảng, đặc biệt có khả năng chống côn trùng, mối mọt, do vậy vào mùa Hè không một con muỗi nào có thể bay vào bên trong. Còn những bộ bàn ghế sáng bóng là gỗ đàn hương khảm xà cừ. Một chiếc bàn như vậy có giá tương đương một chiếc Rolls-Royce. Gánh lát của căn phòng này cũng hết sức đặc biệt. Nó được làm từ một loại đá được hình thành khi magma lăn ra khỏi lớp vỏ trái đất trong quá trình phun trào núi lửa. Do vậy, được coi như hóa thạch nhiều trăm triệu năm, khi đặt chân lên sẽ rất ấm vào mùa Đông và mát lạnh vào mùa Hè. Trong lịch sử chỉ có hoàng gia mới được sử dụng loại đá này và người dân bị cấm khai thác.

Bức tường của căn nhà dày tới 1,5m, bên trong rỗng và cất giấu rất nhiều vàng bạc châu báu. Tuy vậy, những gì cất giữ trong bức tường này chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ khối tài sản khổng lồ của Hòa Thân. Hậu Tráo lầu, hay còn gọi là lầu Tàng Bảo, nơi cất giữ các báu vật thuộc hàng tuyệt phẩm của Hòa Thân. Tòa nhà này dài hơn 180m, có 111 gian phòng và 88 cửa sổ, mỗi cửa mang một hoa văn khác nhau dùng để phân biệt vị trí các căn phòng chứa bảo vật. Ví dụ cửa sổ hình quả đào là nơi cất giữ San hô đỏ. Vào thời điểm đó, san hô đỏ của Hoàng đế Càn Long chỉ cao khoảng 2 thước Trung Quốc, trong khi của Hòa Thân cao hơn 3 thước, tức tầm 1 mét. Ông ta có tận 11 tảng san hô như vậy. Hoàng đế Gia Khánh khi nhìn thấy những tảng san hô này đã vô cùng sửng sốt.

Khám phá Cung Vương Phủ - Dinh thự của đệ nhất tham quan Hòa Thân - Ảnh 3.

Lầu Tàng Bảo, nơi chứa các báu vật của Hòa Thân

Khám phá Cung Vương Phủ - Dinh thự của đệ nhất tham quan Hòa Thân - Ảnh 4.

Hoa văn cửa sổ dùng để phân biệt vị trí từng căn phòng chứa bảo vật.

Cửa sổ hình thoi là nơi chứa 10 viên ngọc trai, mỗi viên to bằng quả nhãn, tức to hơn cả viên ngọc trai đính trên vương miện của vua Càn Long. Hay như cửa sổ đặc biệt có hình 2 con cá, cái khánh và con dơi, là nơi chứa các thỏi vàng hay còn gọi là kim nguyên bảo. Đáng nói là vàng thỏi trong phủ Hòa Thân không nhỏ như thường thấy, mà lớn như một cái gối nhỏ, nặng tới hơn 30kg.

Khám phá Cung Vương Phủ - Dinh thự của đệ nhất tham quan Hòa Thân - Ảnh 5.

Ảnh Hòa Thân trong Cung Vương Phủ

Khám phá Cung Vương Phủ - Dinh thự của đệ nhất tham quan Hòa Thân - Ảnh 6.

Cột nhà và những bộ bàn ghế đắt đỏ trong Tích Tấn Trai

Theo sử sách chép lại, khi nhà Hòa Thân bị lục soát, người ta đã phát hiện khoảng 800 triệu lượng bạc cùng nhiều cửa hàng, ruộng đất với tổng tài sản khoảng 1,1 tỷ lượng bạc. Con số này lúc bấy giờ tương đương với ngân khố của nhà Thanh tích góp trong 15 năm. Ngoài cái tên Cung Vương Phủ, biệt phủ của Hòa Thân còn có một cái tên khác, đó là Vạn Phúc Viên. Vậy tại sao lại có cái tên này? Mời quý độc giả đón đợi kỳ sau.


Ý kiến của bạn