Khai mạc cuộc gặp thượng đỉnh về khí hậu COP26
(VOVTV) - COP26 được kỳ vọng là cơ hội sau cùng để các nhà lãnh đạo trên thế giới đưa ra kế hoạch hành động cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề biến đổi khí hậu.
Tối 1/11 (giờ Việt Nam), cuộc gặp thượng đỉnh của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) đã khai mạc tại thành phố Glasgow (Vương quốc Anh) với sự tham gia của đại diện hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson đã có phát biểu chào mừng hàng trăm nhà lãnh đạo thế giới cùng các đoàn đại biểu có mặt tại hội nghị quan trọng này.
Thủ tướng Anh trước đó đã thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) cam kết mạnh mẽ hơn để giảm lượng phát thải, cảnh báo sự thất bại của Hội nghị sẽ đồng nghĩa với thất bại của nỗ lực ngăn chặn tình trạng Trái đất nóng lên. Ông Johnson cho biết, COP26 có nguy cơ thất bại bởi các quốc gia vẫn cam kết chưa đủ để giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 1,5 độ C.
Ông cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới "không có lý do thuyết phục nào" cho việc không giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và cho rằng cần hành động ngay lập tức để giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 nhằm đạt mục tiêu giữ mức gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C.
Thủ tướng Johnson cho biết Hội nghị G20 đã đạt được một số tiến bộ nhưng vẫn còn một "chặng đường dài" để đi. Đến nay mới chỉ 12 quốc gia cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 "vào hoặc khoảng năm 2050" trong khi một số quốc gia chủ chốt như Trung Quốc và Saudi Arabia chỉ chính thức cam kết đạt được mục tiêu đó vào năm 2060.
Với tư cách là nước chủ nhà COP26, diễn ra từ 31/10 đến 12/11 tại Scotland, Anh đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích và đàm phán các cam kết về cắt giảm khí thải của gần 200 quốc gia với hy vọng đạt được một thỏa thuận vào ngày 12/11.
Tại hội nghị, Thủ tướng Johnson dự kiến yêu cầu các quốc gia cam kết về việc loại bỏ than đá, chuyển sang xe điện, chấm dứt nạn phá rừng và cam kết tài chính để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Theo Hiệp định Paris được ký kết tại Hội nghị COP21 ở thủ đô nước Pháp năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C hoặc càng gần mức 1,5 độ C càng tốt. Kể từ Cách mạng Công nghiệp, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,1 độ C và chỉ có việc cắt giảm khí thải nghiêm ngặt mới giữ được mức tăng đó ở ngưỡng 1,5 độ C.
Một báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới được công bố vào đúng ngày khai mạc COP26, 31/10, cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan, gồm các đợt nắng nóng mạnh và lũ lụt nghiêm trọng đã trở thành hiện tượng bình thường mới, trong khi từ năm 2015, thế giới đã trải qua 7 năm liền nóng nhất từ trước tới nay.
COP26 được kỳ vọng là cơ hội sau cùng để các nhà lãnh đạo trên thế giới đưa ra kế hoạch hành động cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại kể từ khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, tìm cách thúc đẩy các nỗ lực nhằm không chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở hơn 1,5 độ C trong thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.