Khách mời trường quay: 'Góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản'
(VOVTV) - Vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay là gì? Cần các giải pháp như thế nào để thị trường bất động sản hồi sinh? Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó chủ tịch CLB bất động sản Hà Nội nêu ý kiến trong chương trình Khách mời trường quay.
"Bất động sản và thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, tác động trực tiếp và rộng lớn đến người dân, doanh nghiệp, tăng trưởng và phát triển kinh tế" – đó là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ về đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản tổ chức mới đây. Từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng thị trường bất động sản vẫn khá ảm đạm.
Thị trường bất động sản giảm cả về nguồn cung và cầu
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý 2 vừa qua, cả nước chỉ có 7 dự án được hoàn thành với khoảng gần 2.500 căn hộ, bằng khoảng 29% so với cùng kỳ năm trước. Việc triển khai các dự án đều bị chậm hơn so với dự kiến hoặc bị dừng hẳn do nhiều dự án gặp khó khăn vướng mắc về pháp lý, về nguồn vốn…
Không chỉ giảm về số lượng dự án, lượng giao dịch bất động sản trong quý 2 cũng giảm mạnh với khoảng gần 97.000 giao dịch thành công, bằng khoảng 75% so với quý 1 năm nay và bằng khoảng 43% so với cùng kỳ.
Quý 2 cũng là thời điểm chứng kiến sự sụt giảm mạnh về giá. Thống kê từ các địa phương cho thấy, giá bán của phân khúc biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương trong quý tiếp tục có xu hướng giảm khoảng 2% đến 5% so với quý trước (cá biệt có dự án sản phẩm liền kề shophouse của dự án được rao bán giảm khoảng 10-15% số với giá gốc). Ngoài ra, giá bán bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên mức độ giảm không nhiều như thời điểm cuối năm trước do các chi phí vốn hiện nay vẫn ở mức cao
Người lao động vẫn khó tiếp cận nhà ở xã hội
Tại Diễn đàn Người lao động 2023 do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, nhiều người lao động bày tỏ vui mừng khi Chính phủ yêu cầu các Ngân hàng triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhiều công nhân cho biết, với mức lãi suất lên tới trên 8% một năm thì họ gần như không có cơ hội.
Cũng tại Diễn đàn, chia sẻ với người lao động về những khó khăn trong việc tìm nơi ở ổn định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là nghịch lý đã có từ lâu và các cấp, ngành đang nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm, đối với đề xuất cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia xây dựng phát triển nhà ở xã hội như trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Quốc hội đang xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng bởi đây là vấn đề liên quan tới nhiều chính sách khác nhau./.
Tin nổi bật
Tin Video