Khách mời trường quay: Gỡ khó cho việc đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%
(VOVTV) - Kết quả giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất này năm 2022 và 9 tháng của năm 2023 hiện đang rất chậm. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề này với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính.
Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã được Chính phủ ban hành từ tháng 5/2022. Đây là chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ đẩy nhanh sự phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, kết quả giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất này năm 2022 và 9 tháng của năm 2023 hiện đang rất chậm. Vậy nguyên nhân nào khiến tiến độ giải ngân của gói này lại chậm, cần phải làm gì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân? Để tìm hiểu rõ hơn những nội dung này, hãy cùng gặp gỡ PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính.
Tiến độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% rất chậm
Gói hỗ trợ 2% lãi suất (tương đương 40 nghìn tỷ đồng) là chương trình tín dụng chính sách thực hiện theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022, đưa ra các nội dung cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 43.
Theo quy định tại Nghị định 31, thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc, hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023. Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định nêu trên. Đây là một giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, mang tính chất kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Giải pháp thực hiện theo hình thức cấp bù lãi suất, có tính chất đặc thù riêng so với các chính sách khác ở chỗ, dù xuất phát điểm là chính sách tài khóa do nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nhưng không thực hiện cấp phát trực tiếp, mà thông qua hệ thống cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại mới thực hiện hỗ trợ lãi suất khoảng 681 tỷ đồng, tức mới giải ngân được khoảng 1,7% tổng quy mô gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng. Cụ thể, đến hết tháng 7/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt gần 140.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 56.000 tỷ đồng cho gần 2.100 khách hàng. Ngân hàng Nhà nước ước tính đến hết năm nay, số tiền hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách nhà nước với 40.000 tỷ đồng dự kiến chỉ đạt khoảng 2.570 tỷ đồng.
Điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% ngặt nghèo
Nghị định 31/2022/NĐ/CP về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là một trong những chính sách được doanh nghiệp kỳ vọng tăng thêm vốn lưu động, giúp duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy, nguyên nhân về điều kiện đối tượng thụ hưởng chính sách còn ngặt nghèo nên số khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất rất hạn chế.
Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước, số tiền đã hỗ trợ lãi suất từ gói này rất thấp. Trong các nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả thực hiện, quy định "có khả năng phục hồi" tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 31 là vướng mắc lớn tác động đến tiến độ triển khai gói hỗ trợ lãi suất. Bởi trên thực tế, các tổ chức tín dụng không thể "đánh giá khả năng phục hồi" của khách hàng mà chỉ có thể đánh giá có đủ điều kiện cho vay hay không mà thôi.