Khách mời trường quay: Gỡ khó cho việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng
(VOVTV) - Nguyên nhân chậm hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp là do đâu, giải pháp nào gỡ vướng cho vấn đề này? Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam trao đổi về chủ đề này trong mục Khách mời trường quay.
Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, trong 7 tháng đầu năm 2023, số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đã được cơ quan thuế ra quyết định là 71.825 tỷ đồng, bằng 39% so với kinh phí hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt và thấp hơn cùng kỳ. Việc chậm nhận được tiền hoàn thuế VAT sẽ ảnh hưởng tới việc kinh doanh của doanh nghiệp, và xa hơn là tác động tới sự phát triển của doanh nghiệp và của nền kinh tế nói chung.
Nhiều nút thắt khiến doanh nghiệp vẫn chưa được hoàn thuế VAT
Đến tháng 7/2023, tổng số tiền thuế VAT chưa được cơ quan thuế hoàn cho các doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu gỗ lên tới 6.100 tỷ đồng. Lý do là theo quy định của Tổng cục Thuế, để được hoàn thuế phải thực hiện truy xuất đến tận nguồn gốc của nguyên liệu, tức là đến tận chủ rừng. Trong khi đó, Việt Nam có trên 1 triệu hộ nông dân trồng rừng và bán nguyên liệu cung ứng, qua rất nhiều trung gian và qua nhiều khâu trong chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ.
Nhiều chuyên gia cho biết, việc xác minh nguồn gốc của các mặt hàng được hoàn thuế; hiện tượng doanh nghiệp gian lận về hóa đơn khiến cho cơ quan thuế phải thận trọng; và sự vào cuộc, phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng chưa tốt là những nguyên nhân khiến việc hoàn thuế VAT bị chậm trễ. Hệ quả, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu bị thiếu vốn lưu động do liên tục phải thực hiện các đơn hàng và đảm bảo cam kết hợp đồng.
Về bản chất, thuế VAT không phải là tiền doanh nghiệp đi xin cơ quan Nhà nước từ ngân sách mà là khoản tiền thuế doanh nghiệp tạm đóng cho nhà nước, sau đó sẽ được hoàn lại. Do vậy cơ quan thuế cần phải hoàn lại một cách nhanh nhất cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, để doanh nghiệp có vốn lưu động hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại.
Trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về sản xuất, kinh doanh, việc tiếp cận các nguồn vốn vay còn hạn chế, nguồn tiền từ việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp cũng góp phần không nhỏ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu, vì sự phát triển của đất nước./.
Đẩy nhanh việc hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp
Để đẩy nhanh việc hoàn thuế cho DN, cuối tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 470/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng (hoàn thuế VAT) một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.
Nhằm thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện 470/CĐ-TTg và Công văn 5427/BTC-VP của Bộ Tài chính về việc khẩn trương giải quyết các hồ sơ hoàn thuế vẫn còn tình trạng chậm, muộn, Tổng cục Thuế có Công văn 2099/TCT-KK yêu cầu các Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện ngay các nội dung để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp.
Ngày 31/5/2023, Tổng cục Thuế ban hành Quy trình hoàn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 679/QĐ-TCT.
Ngày 09/8/2023, Tổng cục Thuế tiếp tục ban hành Công điện 07/CĐ-TCT về việc đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng.
Qua chia sẻ của bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam thì có thể thấy là vai trò của chính người nộp thuế trong quá trình hoàn thuế rất quan trọng. Đó là phải hoàn chỉnh hồ sơ và hồ sơ phải hợp lệ đáp ứng đúng yêu cầu quy định của pháp luật về đề nghị hoàn thuế trước khi gửi bằng phương thức điện tử cho cơ quan thuế thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật. Còn với cơ quan thuế thì cần có giải pháp phân loại các doanh nghiệp có nguy cơ cao về gian lận thuế để có giải pháp "hoàn trước, kiểm tra sau" tránh tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi, gian lận trong hoàn thuế gây thất thoát ngân sách của nhà nước. Có như vậy thì doanh nghiệp mới có thêm nguồn lực để quay vòng sản xuất, tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Tin nổi bật
Tin Video