Khắc phục trầm cảm học đường do dịch Covid-19
(VOVTV) - Hôm nay (4/3), tại TP.HCM, Báo Tiền Phong cùng một số đơn vị tổ chức tọa đàm “Làm thế nào để thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng Covid-19?” với sự tham gia của các chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, giáo viên đã cùng học sinh, sinh viên trao đổi những khó khăn khi học tập trong điều kiện dịch bệnh thời gian qua.
Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, cả nước đã có có hơn 20 triệu học sinh, sinh viên và 1 triệu giáo viên phải nghỉ học, nghỉ dạy nhiều tháng liên tiếp hoặc dạy học theo hình thức trực tuyến. Việc học sinh ở nhà quá lâu, không có sự giao lưu trực tiếp xã hội đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần, nhiều em rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm. Đáng lo ngại hơn, TP.HCM có gần 2.000 trẻ em mồ côi vì dịch Covid-19, gặp khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, cần được quan tâm hỗ trợ, chăm sóc.
Các chuyên gia khuyến cáo, người thân và thầy cô giáo quan tâm hơn nữa đến các em trong điều kiện đi học mà vẫn còn dịch bệnh như hiện nay, kiên trì lắng nghe và chia sẻ khó khăn với con em mình. Người lớn phải thực sự trở thành chỗ dựa đáng tin cậy để học sinh, sinh viên có thể mở lòng, chia sẻ. Trong trường hợp các em cần tư vấn chuyên sâu thì gia đình, nhà trường có thể đưa các em đến dịch vụ tư vấn tâm lý để giải tỏa, can thiệp kịp thời.
Theo Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, quan trọng hơn cả là gia đình, nhà trường hướng dẫn các em tự chăm sóc sức khỏe tâm thần cho chính mình, nhìn nhận sự việc ở góc độ tích cực.
"Thay đổi nhận thức để cho hành vi của mình tốt lên theo phương pháp trị liệu nhận thức hành vi của chúng tôi. Tôi muốn các bạn rằng: make a different. Các bạn hãy nhìn vào điểm mạnh của chính mình để làm mạnh mình lên. Chính việc làm mạnh mình lên thì có thể vượt qua tất cả mọi chuyện," bác sĩ Mẫn nhấn mạnh.
Tin nổi bật
Tin Video