Tin tức

Khắc phục sạt lở ở vai phải đập thủy điện Hòa Bình: Chuyên gia đánh giá ra sao?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bước đầu đưa ra đề xuất khắc phục sự cố, tuy nhiên các chuyên gia có những ý kiến trái chiều về đề xuất này.

15/12/2021 14:48

Ngày 5/11, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra và làm việc về sạt lở khu vực thi công hố móng công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng. Phó thủ tướng yêu cầu tạm dừng thi công công trình.

Khắc phục sạt lở ở vai phải đập thủy điện Hòa Bình: Chuyên gia đánh giá ra sao? - Ảnh 1.

Hiện trường sạt lở ở công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng

Theo tài liệu do Ban Truyền thông EVN cung cấp, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các cơ quan chuyên môn Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hòa Bình cùng EVN, tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công đã họp bàn các giải pháp, thống nhất chỉ đạo EVN và các bên liên quan xử lý khối sạt trượt đảm bảo an toàn cho các hạng mục và công trình xung quanh, thực hiện theo các giai đoạn sau: Đào giảm tải ngay đảm bảo ổn định hố móng, hạn chế sạt trượt lan rộng thêm; Xử lý ổn định lâu dài khu vực sạt trượt trên cơ sở các kết quả khảo sát bổ sung (sau khi hoàn thành xử lý giai đoạn 1); Xử lý tổng thể kiến trúc cảnh quan khu vực bao gồm nhà máy và công trình văn hóa Đồi Ông Tượng.

Trong email với VTC News, EVN cho biết thêm: Ngày 7/11, tư vấn thiết kế đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế xử lý đào giảm tải đợt 1 - giai đoạn 1, đảm bảo ổn định hố móng nhà máy công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương về phương án xử lý theo hồ sơ thiết kế trên, và sẽ thực hiện ngay sau khi được chấp thuận.

Chuyên gia nói gì về phương án của EVN?

TS. Tô Văn Trường, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, giải pháp và các bước khắc phục EVN đưa ra “chắc chắn dựa trên các số liệu điều tra cụ thể, nhiều phương án và đã chọn cái tốt nhất”.

Khắc phục sạt lở ở vai phải đập thủy điện Hòa Bình: Chuyên gia đánh giá ra sao? - Ảnh 2.

TS. Tô Văn Trường

Tuy nhiên, theo nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, khi thực hiện còn rất nhiều yếu tố tác động khác như điều kiện thực tiễn khu vực, phương tiện, khoa học công nghệ...

Ông Trường cho rằng, nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng sử dụng chung các hạng mục như hồ chứa, đập dâng, đập tràn của công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện nay. Tức là không động gì đến các kết cấu quan trong hiện tại (đập dâng, đập tràn). Các hạng mục xây dựng mở rộng gồm có: xây dựng tuyến năng lượng và nhà máy mở rộng bên phải tuyến đập Hòa Bình, gồm các hạng mục chính: Kênh dẫn nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy thủy điện và kênh xả sau nhà máy thủy điện, đường dây đấu nối 500 kV vào hệ thống điện quốc gia…

“Vậy nên có thể yên tâm về việc sự cố sạt trượt chưa đến mức ảnh hưởng đến an toàn thủy điện Hòa Bình. Cơ bản nếu đúng nguyên nhân do mưa lớn, tất nhiên nếu mưa lớn xảy ra khi chưa đào hố thi công công trình thì sẽ không có sạt trượt do mặt đất vẫn ổn định thì các bước xử lý như trên là hợp lý. Nhưng quan trọng là giải pháp cụ thể từng bước như thế nào không được nói rõ nên cũng không thể khẳng định được mức độ phù hợp và tính hiệu quả”, TS. Tô Văn Trường nói.

Trước đó, trong một văn bản gửi VTC News, đại diện EVN nói nguyên nhân sạt trượt là do ảnh hưởng 2 cơn bão trong tháng 10/2021 kết hợp gió mùa gây ra mưa kéo dài nhiều ngày kèm theo địa hình giữa hai khe tụ thủy làm đất bão hòa nước trong thời gian dài, gây sạt trượt với cung trượt lớn.

“Nguyên nhân mà EVN đưa ra sau sự cố sạt trượt là chưa phải. Gốc chính là do đồi Ông Tượng đã được cảnh báo không được đào bới xây dựng, mưa gió chỉ là kéo thêm thôi. Dù không có mưa to, gió lớn, không có bão thì thi công khu vực này vẫn sẽ xảy ra sạt trượt”, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nguyên chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam nói với VTC News.

Khắc phục sạt lở ở vai phải đập thủy điện Hòa Bình: Chuyên gia đánh giá ra sao? - Ảnh 3.

GS.TS Vũ Trọng Hồng

Ông Hồng dẫn cuốn sách “Xây dựng công trình ngầm Thủy điện Hòa Bình” của kỹ sư Phan Đình Đại, nguyên phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật, thiết kế của Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà viết rằng, tổ hợp ngầm được bố trí trong quả đồi lớn, mái dốc đã được hình thành do các điều kiện tự nhiên và đã ổn định, song tính ổn định này bị phá hủy trong quá trình thi công do mở các hố móng và tác động của nổ mìn, do tích nước hồ chứa, dẫn nước qua đập tràn…

Các chuyên gia trong cuốn sách nói, đồi Ông Tượng với chiều dày tối đa tầng “Ê luvi kỷ đệ tứ tới 60m”, bao gồm sét màu hồng và sét dẻo có hỗn hợp mùn thực vật, đá dăm và đá cục lắng lâu ngày nên lớp này rất yếu. “Đó là phù sa, chứ không phải đá phún suất, mái dốc khu vực này cũng không ổn định. Nằm nguyên thì không sao, nhưng nếu tác động vào sẽ xói mòn, mất ổn định. Vậy nên việc EVN tác động xây dựng, cộng với mưa bão càng nguy hiểm”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

“Còn bên vai trái của đập mới là nơi có địa chất tốt, là đá phún suất nên Liên Xô mới quyết định làm đập tràn ở khu vực đó”.

Theo ông Hồng, phương án khắc phục của EVN là “không đúng”. Nếu đã sạt trượt rồi thì không nên đào để giảm tải mà phải cắm neo vào gia cố ngay. Cần phủ ngay lớp xi măng để hạn chế việc mưa lũ ngấm xuống đất, khiến chất kết dính của đất suy giảm. Điều cần thiết lúc này là sử dụng các biệt pháp kỹ thuật như siêu âm để xem lớp trượt ở đâu, rồi cắm neo xuyên qua lớp trượt để giữ lại.

Để khắc phục sự cố sạt trượt tại khu vực thi công dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, cần thực hiện theo các giai đoạn:

Giai đoạn 1: Thực hiện bạt mái dốc để làm giảm độ dốc, chia theo cấp theo tỉ lệ 3:1 từ trên xuống, ra 3 lên 1 (đi ngang 3m, đứng 1m). Giữa mỗi đoạn 3m sẽ có 1 cơ nhô ra khoảng 1m, khu vực này cần tạo rãnh, lát xi măng để dẫn nước thoát đi, không cho nước thấm vào đất. Sau đó, cần trồng ngay cỏ vì sắp đến mùa Xuân. Việc làm này để tránh hiện tượng sạt trượt tiếp tục diễn ra.

Giai đoạn 2: Sau khi bạt mái và trồng cỏ, tiến hành siêu âm xem độ dốc của đất có ổn định không. Các chuyên gia, kỹ sư vào cuộc để tính toán xem còn khả năng xảy ra sạt trượt không. Nếu vẫn trượt sẽ chuyển sang giai đoạn 3 là làm neo.

Giai đoạn 3: Neo đất (không phải bê tông). Tiến hành khoan và phun nén đất vào khu vực đất yếu, dễ xảy ra sạt trượt.

Trong các ngày 17, 20/10 và 6/11/2021, tại công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng có hiện tượng sạt lở trong hố móng.

Nguyên nhân, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là do ảnh hưởng của 2 cơn bão trong tháng 10/2021 gây mưa. Mưa kéo dài kết hợp các yếu tố địa hình làm đất bão hòa nước trong thời gian dài gây sạt trượt với cung trượt lớn.

Ngày 5/11, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra, làm việc về sạt lở khu vực thi công hố móng công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Thông báo nêu rõ, yêu cầu chung đặt ra là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho nhà máy thủy điện Hòa Bình, nhất là đập thủy điện Hòa Bình. Phải bảo đảm cảnh quan kiến trúc và an toàn cho công trình lịch sử văn hóa tượng đài Bác Hồ; Cần khảo sát, kiểm tra trên thực địa và kiểm tra các hồ sơ liên quan để đánh giá kỹ các nguyên nhân gây ra sạt trượt, từ đó đề ra các giải pháp trước mắt và lâu dài.

Phó Thủ tướng yêu cầu EVN tạm dừng thi công công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng để đảm bảo an toàn cho công nhân.

Thực hiện ngay các giải pháp giảm thiểu rủi ro và nguy cơ sạt lở đã được các chuyên gia và đại diện các bộ, cơ quan góp ý. Bên cạnh đó, chỉ đạo tư vấn thiết kế công trình khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp để đánh giá kỹ về nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt trượt và thực hiện ngay các giải pháp phù hợp nhất. Việc thi công trở lại, giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng quyết định trên cơ sở bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình và tượng đài Bác Hồ.

Ý kiến của bạn