Joe Biden - Người cam kết hàn gắn nước Mỹ
Chỉ một tháng sau khi bất ngờ được bầu vào thượng viện ở tuổi 29, Joe Biden nhận tin vợ và con gái một tuổi qua đời vì tai nạn.
Chỉ một tháng sau khi bất ngờ được bầu vào thượng viện ở tuổi 29, Joe Biden nhận tin vợ và con gái một tuổi qua đời vì tai nạn.
Thảm kịch xảy ra vào năm 1972, khi vợ cùng các con của thượng nghị sĩ trẻ tuổi bang Delaware đang trên đường đi mua sắm cho lễ Giáng sinh. Hai con trai của Joe Biden bị thương nặng nhưng may mắn sống sót. Tuy nhiên, năm 2015, người con cả Beau Biden, cựu tổng chưởng lý Delaware, lại ra đi ở tuổi 46 vì ung thư não.
Biden sinh ngày 20/11/1942 và trưởng thành tại thành phố Scranton, bang Pennsylvania, trong một gia đình Công giáo gốc Ireland. Cha của ông làm nghề bán ô tô, nhưng mất việc khi thành phố rơi vào giai đoạn khó khăn trong những năm 1950. Do đó, gia đình Biden chuyển đến bang Delaware lân cận vào năm ông 10 tuổi.
"Cha của tôi luôn dặn dò rằng bất cứ khi nào bị đánh gục, hãy cố gắng đứng dậy", Biden, người vừa chiến thắng đối thủ Donald Trump để trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước đây.
Thời trẻ, Biden làm nhân viên cứu hộ trong một khu dân cư chủ yếu là người da màu, trải nghiệm mà ông nói rằng mang lại nhận thức sâu sắc về tình trạng bất bình đẳng có hệ thống trong xã hội, đồng thời thúc đẩy đam mê chính trị. Biden thường xuyên nhắc đến xuất thân từ tầng lớp lao động và tuổi thơ bị chế giễu vì tật nói lắp.
Bất chấp hàng loạt trở ngại, Biden vẫn vươn lên và dấn thân vào chính trường Mỹ. Chính những thảm kịch dường như đã tạo nên sự đồng cảm, "thương hiệu" của Biden khi tương tác với người dân. Ông được đánh giá sở hữu kỹ năng vận động cá nhân tuyệt vời, có thể tươi cười với sinh viên, chia sẻ cùng những công nhân thất nghiệp, tạo ra bầu không khí thoải mái.
"Tôi là một người đồng hành của ánh sáng, không phải bóng tối", Biden phát biểu sau khi nhận đề cử tổng thống của đảng Dân chủ hồi tháng 8, nhấn mạnh sự tập trung vào lòng trắc ẩn và trật tự xã hội giữa lúc đất nước chia rẽ, hỗn loạn vì Covid-19 và biểu tình, tạo sự tương phản với tính cách gay gắt của đối thủ Donald Trump.
Trong hơn 30 năm đảm nhiệm vị trí thượng nghị sĩ, Biden nổi tiếng với việc thiết lập những liên minh "không tưởng", có khả năng kết nối lưỡng đảng Mỹ và thân thiết với nhiều đảng viên Cộng hòa cốt cán. Ngay cả trong cuộc bầu cử năm nay, thượng nghị sĩ Kamala Harris, người được Biden chọn làm "phó tướng", vốn cũng là đối thủ của ông trong vòng sơ bộ.
Tuy nhiên, Biden không ít lần vấp phải tranh cãi suốt sự nghiệp của mình, đặc biệt là vụ "đạo văn" bài phát biểu của chính trị gia người Anh Neil Kinnock khiến ông phải từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng năm 1988 trong nỗi hổ thẹn.
20 năm sau, Biden tiếp tục theo đuổi "giấc mộng" vào Nhà Trắng, nhưng tình hình không khá hơn lần đầu tiên, do sức ảnh hưởng quá lớn của những thành viên cùng đảng Dân chủ như Barack Obama và Hillary Clinton. Ông bỏ cuộc sau khi chỉ tập hợp được chưa đầy 1% sự ủng hộ ở bang Iowa, nhưng sau đó được Obama chọn làm cấp phó.
Những sự việc khác khiến Biden bị mất cảm tình khi còn giữ chức thượng nghị sĩ bao gồm bỏ phiếu ủng hộ chiến tranh Iraq, hay chủ trì các phiên điều trần gây tranh cãi năm 1991, liên quan đến việc luật sư Anita Hill cáo buộc ứng viên thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Clarence Thomas quấy rối tình dục.
Chiến dịch tranh cử tổng thống 2020 của Biden có lúc cũng tưởng chừng đi vào ngõ cụt, sau những thất bại đáng thất vọng trong vòng sơ bộ trước Thượng nghị sĩ Bernie Sanders hồi đầu năm. Tuy nhiên, ông vươn lên thành công từ bang Nam Carolina nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của cử tri Mỹ gốc Phi, một cơ sở quan trọng của đảng Dân chủ.
Tuổi tác cũng là một yếu tố được cho là khiến cử tri ngần ngại về Biden, tạo cơ hội cho Trump công kích, gọi ông là "Joe Buồn ngủ" và cáo buộc ông bị suy giảm trí lực. Tuy nhiên, Biden đã gạt bỏ những lời công kích, thể hiện trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên hôm 29/9, khi ông cứng rắn đề nghị Trump "im lặng" sau nhiều lần bị ngắt lời.
Vài ngày trước khi cuộc bầu cử đầy hỗn loạn đi đến hồi kết, quỹ tranh cử của Biden thậm chí áp đảo ngân sách cho chiến dịch của Trump, người được cho là luôn nắm lợi thế về tài chính, khi hàng loạt nhà tài trợ và cử tri dồn tiền cho ông. Các cuộc thăm dò cũng đồng loạt nghiêng về ứng viên Dân chủ, với những cử tri hy vọng "hồi sinh" nền dân chủ Mỹ và sự ổn định xã hội thời kỳ hậu Trump.
"Chúa và lịch sử đã phó thác thời khắc này, sứ mệnh này cho chúng tôi. Kinh thánh viết rằng có những lúc sụp đổ, và cũng có những giai đoạn để kiến tạo và chữa lành. Đây chính là thời khắc đó", Biden phát biểu trong một sự kiện ở thành phố Warm Springs, bang Georgia, tháng trước.
Sáng 4/11, khi cuộc đua vào Nhà Trắng dần ngã ngũ với lợi thế nghiêng về Biden sau những thắng lợi quan trọng ở vùng Trung Tây, ứng viên Dân chủ tiếp tục truyền đi thông điệp về hàn gắn đất nước.
"Bản thân chức vụ tổng thống không phải là một thể chế đảng phái. Đó là văn phòng duy nhất ở quốc gia này đại diện cho tất cả mọi người, đòi hỏi nghĩa vụ chăm sóc cho tất cả người Mỹ và đó chính xác là điều tôi sẽ làm", Biden phát biểu tại thành phố Wilmington, bang Delaware.
"Chúng tôi đang vận động tranh cử trên tư cách đảng Dân chủ, nhưng tôi sẽ lãnh đạo như một tổng thống Mỹ", Biden phát biểu sáng 4/11 tại thành phố Wilmington, bang Delaware, khi đang trên đà chiến thắng, sau những thắng lợi quan trọng ở các bang vùng Trung Tây.
"Chúng ta không phải là kẻ thù. Những điều gắn kết chúng ta lại với nhau, vì cùng là người Mỹ, mạnh hơn rất nhiều so với bất cứ thứ gì có thể chia cắt chúng ta", Biden cho hay.
"Đã đến lúc chúng ta phải làm những gì chúng ta vẫn luôn làm với tư cách là người Mỹ, bỏ lại phía sau những lời lẽ gay gắt của chiến dịch tranh cử, hạ nhiệt, gặp nhau, lắng nghe nhau, tôn trọng và quan tâm đến nhau. Đoàn kết, hàn gắn cùng nhau như một quốc gia", ông nói thêm.
Ngày 7/11, các hãng tin Mỹ đồng loạt "xướng tên" Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay, đánh bại Donald Trump và trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Tin nổi bật
Tin Video