Tin tức

Israel tuyên bố tình trạng chiến tranh, HĐBA LHQ bất đồng

(VOVTV) - Ngày 8/10, Nội các An ninh Israel chính thức thông báo nước này “đang trong tình trạng chiến tranh”. Cùng ngày, trong phiên họp kín, một số quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã chỉ trích cuộc tấn công quy mô lớn của phong trào Hamas nhằm vào Israel. Tuy nhiên, theo giới ngoại giao, diễn biến tại cuộc họp trên cho thấy thiếu sự nhất trí giữa các nước thành viên tại cơ quan này.

09/10/2023 07:56

HĐBA LHQ bất đồng về cuộc xung đột Israel-Hamas

Tại phiên họp khẩn của HĐBA LHQ, các đại diện của Mỹ và Israel đã kêu gọi thể chế đa phương này lên án cuộc tấn công của lực lượng Hamas nhằm vào Nhà nước Do Thái. 

Israel tuyên bố tình trạng chiến tranh, HĐBA LHQ bất đồng - Ảnh 1.

Đồn cảnh sát ở Israel sau khi bị phong trào Hồi giáo Hamas không kích. Ảnh: RT

Tuy nhiên, theo các nguồn tin ngoại giao, HĐBA LHQ không xem xét đưa ra tuyên bố chung, chứ chưa nói đến một nghị quyết mang tính ràng buộc. Trong khi đó, một số quốc gia thành viên, trong đó có Nga, bày tỏ hy vọng HĐBA LHQ dành sự tập trung lớn hơn tới các biện pháp giải quyết tình hình hiện nay, thay vì lên án Hamas.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nêu rõ: “Thông điệp của tôi là ngay lập tức chấm dứt giao tranh và tiến tới ngừng bắn, cũng như khởi động những cuộc đàm phán có ý nghĩa”. Ông cũng nhấn mạnh: “Tình hình hiện nay là một phần kết quả của những vấn đề chưa được giải quyết”.

Brazil, quốc gia đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ,  đã triệu tập phiên họp khẩn để thảo luận về tình hình hiện nay giữa Israel và Palestine.

Israel tuyên bố tình trạng chiến tranh

Trước đó, ngày 8/10, Nội các An ninh Israel chính thức thông báo nước này “đang trong tình trạng chiến tranh”, đồng thời tuyên bố sẽ thực hiện nhiều hoạt động quân sự tại Gaza trong những ngày tới. 

Israel tuyên bố tình trạng chiến tranh, HĐBA LHQ bất đồng - Ảnh 2.

Xe tăng Israel xuất hiện gần dải Gaza. Ảnh: RT

Cập nhật số thương vong trong ngày thứ 2 xảy ra xung đột giữa Israel và phong trào Hamas, Văn phòng báo chí của chính quyền Israel cho biết số người thiệt mạng tại nước này đã tăng lên hơn 600 người. Hơn 100 người Israel bị Hamas bắt giữ. Kênh truyền hình nhà nước Kan TV (Israel) dẫn Bộ Y tế nước này nói rằng ít nhất 2.048 người bị thương, trong đó có 20 người trong tình trạng nguy kịch. Theo đó, đây là một trong những vụ xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử Israel. 

Quân đội Israel tuyên bố tính đến sáng 8/10, lực lượng này đã đánh trúng 426 vị trí của phong trào Hồi giáo Hamas, trong đó có một khu nhà của người đứng đầu cơ quan tình báo. Trong số các cơ sở dân sự, khoảng 10 tòa nhà dân sự tại Gaza bị phá hủy hoàn toàn.

Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel Daniel Hagari cho biết đa số các chiến dịch quân sự quan trọng tại các cộng đồng gần Dải Gaza đã kết thúc. Các cư dân ở miền Nam đang được sơ tán đến miền Trung Israel.

Trong khi đó, Bộ Y tế tại Dải Gaza thông báo số người thiệt mạng tại đây tăng lên 313 người, trong đó có 20 trẻ em, và 1.990 người bị thương. Theo Cơ quan Cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA), ít nhất 20.000 người Palestine từ nhiều tỉnh của Dải Gaza đã phải dời đến các trường học thuộc cơ quan này. Trong một thông cáo, Cố vấn truyền thông UNRWA Adnan Abu Hasna nêu rõ những người sơ tán, trong đó có người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em, đã đến 44 trường học của UNRWA. Ông cũng nói rằng chỉ 28 trường được trang bị làm nơi tạm trú cho người sơ tán trong thời gian xung đột và dự kiến số người di tản tiếp tục tăng trong vài giờ tới.

Phản ứng của quốc tế

Nhiều quốc gia vùng Vịnh đã lên tiếng cho rằng tình hình căng thẳng hiện nay là hậu quả của các hành động chiếm đóng và bạo lực của Israel nhằm vào người Palestine. Bộ Ngoại giao Qatar ra thông báo kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế cần ngăn chặn Israel sử dụng diễn biến mới này làm cớ phát động chiến dịch nhằm vào dân thường Palestine tại Gaza. Trong khi đó, tuyên bố của người phát ngôn chính phủ Iraq cho rằng chiến dịch quân sự mà lực lượng Hamas tiến hành là hậu quả của hàng thập kỷ chiếm đóng có hệ thống của Israel đối với người Palestine. Tuyên bố cũng cảnh báo căng thẳng tiếp tục leo thang ở các vùng lãnh thổ của người Palestine có thể ảnh hưởng tới sự ổn định trong khu vực. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Kuwait bày tỏ quan ngại trước những diễn biến mới tại Gaza và cho rằng Israel phải chịu trách nhiệm về tình trạng bạo lực tiếp diễn tại đây. Từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bộ Ngoại giao nước này kêu gọi các bên kiềm chế tối đa và ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời nhấn mạnh cần bảo vệ sự an toàn của dân thường.

 Trong khi đó, các nước phương Tây đồng loạt lên tiếng lên án vụ tấn công bằng rocket từ Dải Gaza, đồng thời bày tỏ đoàn kết với Israel. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết Washington "dứt khoát lên án" cuộc tấn công của Hamas nhằm vào thường dân Israel và kiên quyết đứng về phía Chính phủ và người dân Israel. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Israel Tzachi Hanegbi và sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ. Trong khi đó, truyền thông Israel cho biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden về tình hình xung đột đang diễn ra với lực lượng Hamas tại Dải Gaza.

Trước diễn biến căng thẳng leo thang tại Dải Gaza, đặc phái viên LHQ tại Trung Đông Tor Wennesland đã gọi đây là tình huống “bên bờ vực nguy hiểm”, kêu gọi các bên kiềm chế tối đa và bảo vệ dân thường. Đại diện Cao ủy LHQ về nhân quyền Volker Tuerk thì bày tỏ bị sốc trước thông tin về các vụ tấn công tại Dải Gaza, nhấn mạnh rằng “dân thường không bao giờ là mục tiêu của các vụ tấn công”. Ông cũng kêu gọi Israel thận trọng tránh thương vong cho dân thường, trong bối cảnh nước này đáp trả bằng các vụ không kích nhằm vào Gaza. Ông Tuerk nhấn mạnh cần ngừng ngay các hành động bạo lực, yêu cầu tất cả các bên và các quốc gia quan trọng trong khu vực giúp giảm căng thẳng để tránh có thêm đổ máu.

Ý kiến của bạn