Indonesia ra 'tối hậu thư' với các nền tảng kỹ thuật số không đăng ký
(VOVTV) - Các nhà cung cấp ESP sẽ bị coi là bất hợp pháp và bị chặn nếu tiếp tục chần chừ nghĩa vụ đăng ký trên Hệ thống cấp phép một cửa (OSS) của Indonesia.
Chính phủ Indonesia tuyên bố sẽ chặn các nhà cung cấp hệ thống điện tử tư nhân (ESPs) vào ngày 27/7 nếu không hoàn thành nghĩa vụ đăng ký.
Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia cho biết, có thể ban hành thông báo cảnh báo đến 100 nhà cung cấp ESP có lượng truy cập cao nhất song không đáp ứng thời hạn chót đăng ký dịch vụ mà chính quyền Indonesia đặt ra trước đó là ngày 20/7.
Theo ông Semuel Abrijani Pangerapan, Tổng Giám đốc Ứng dụng Thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia, các nhà cung cấp ESP sẽ bị coi là bất hợp pháp và bị chặn nếu tiếp tục chần chừ nghĩa vụ đăng ký trên Hệ thống cấp phép một cửa (OSS) của Indonesia.
Trước đó, từ cuối năm 2020, Indonesia đã ra quy định buộc các công ty cung cấp dịch vụ điện tử hoạt động ở nước này phải đăng ký giấy phép hoạt động.
Để tránh bị phạt và gián đoạn hoạt động, các “ông lớn” công nghệ (Big Tech) như Alphabet, Meta Platforms, Netflix, ByteDance đã phải gấp rút đăng ký cho hàng loạt dịch vụ của mình tại Indonesia như: Google Maps, YouTube, Facebook, Instagram, WhatsApp, TikTok…Tuy nhiên, nhiều ESP thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia về những khó khăn gặp phải khi cố gắng đăng ký qua hệ thống OSS. Do vậy, Indonesia gia hạn thời gian đăng ký thêm 1 tuần.
Thời gian qua, Chính phủ Indonesia đã có nhiều động thái siết chặt quản lý đối với các Big Tech. Hồi tháng 3/2022, Indonesia tuyên bố sẽ phạt tiền, chặn các nền tảng kỹ thuật số từ chối gỡ bỏ các nội dung được cho là bất hợp pháp.
Chính phủ cũng đang hoàn tất quy định về đánh thuế giá trị gia tăng với hoạt động mua bán hàng hóa kỹ thuật số. Chính phủ Indonesia cho biết, các quy định mới nhằm đảm bảo nhà cung cấp dịch vụ Internet bảo vệ dữ liệu người dùng và nội dung trực tuyến được sử dụng theo cách “tích cực và hiệu quả”.