Giải trí

Indonesia: Chiến binh sinh thái 69 tuổi vắt kiệt sức lực và tài sản để phủ xanh đồi trọc

(VOVTV) - Từng bị người cùng làng coi là điên, một ông lão người Indonesia đã âm thầm phủ xanh những ngọn đồi trọc suốt 24 năm không biết mệt như một chiến binh sinh thái, nỗ lực tạo ra nguồn nước ở một vùng núi khô hạn.

Tác giả Hà Thu / VOVTV  -  
22/03/2021 16:01

Suốt hơn 2 thập kỷ qua, ông Sadiman, 69 tuổi, đã làm việc không ngừng nghỉ để trồng cây trên đồi Gendol và Ampyang ở tỉnh Trung Java, Indonesia, sau khi rừng bị đốt phá để lấy đất canh tác khiến các sông hồ trong vùng đều bị khô cạn.   

Đôi mắt hiền từ, hàm răng móm mém, ông lão dáng người gầy guộc chia sẻ: "Tôi muốn rừng được phủ xanh hơn bằng cách trồng cây đa cây si đem lại lợi ích cho người dân nơi đây. Trước đây việc đốt rừng trên núi đã khiến nguồn nước bị khô cạn, rồi tôi nảy ra 1 ý, tôi tự nhủ: nếu mình không trồng cây đa thì vùng này sẽ khô hạn mất. Theo kinh nghiệm của tôi, cây đa và cây si có thể trữ được rất nhiều nước."

Indonesia: Chiến binh sinh thái 69 tuổi vắt kiệt sức lực và tài sản để phủ xanh đồi trọc - Ảnh 1.

Ông Sadiman đứng bên một ngọn đồi là nơi đầu tiên ông bắt đầu trồng cây từ hơn 20 năm trước. Ảnh: REUTERS

Thật vậy, bộ rễ dài và lan rộng của các cây họ nhà đa, si giúp giữ nước ngầm và ngăn chặn xói mòn đất. Nhờ nỗ lực trồng rừng của ông Sadiman, những con suối thậm chí đã hình thành ở nơi từng là vùng đất cằn cỗi và khô hạn. Nước suối được dẫn đến các ngôi nhà và được sử dụng để tưới cho đất nông nghiệp.

Ông Sadiman đã trồng ít nhất 11.000 cây đa và cây si trên diện tích hơn 250 ha, tự bỏ tiền túi chi trả mọi thứ, bất chấp những nghi ngờ của người dân địa phương thời gian đầu.

"Mọi người từng chế nhạo tôi vì mang hạt giống cây đa về làng, họ cảm thấy bất an vì tin rằng có linh hồn trong cây và cả những điều xấu có thể xảy ra. Tôi thậm chí còn bị coi là một người theo thuyết vật linh" - ông nhớ lại.

Indonesia: Chiến binh sinh thái 69 tuổi vắt kiệt sức lực và tài sản để phủ xanh đồi trọc - Ảnh 2.

Nhờ sự hi sinh thầm lặng suốt hơn 2 thập kỷ của "chiến binh sinh thái" cao tuổi Sadiman, những vùng đồi trọc khô cằn đã được phủ xanh và dồi dào nguồn nước. Ảnh: REUTERS

Bất chấp những dị nghị và chế diễu đó, ông Sadiman vẫn ngày đêm âm thầm, miệt mài trồng cây gây rừng giữ nước. "Tôi muốn tăng thêm nguồn nước. Và thứ hai, mọi người cần không khí sạch, con người cần không khí sạch bởi rừng chính là lá phổi của trái đất. Thứ ba nữa, cây đa có rễ rất dài nên có thể giúp ngăn ngừa thiên tai" - ông nói.

Ở những nơi ông Sadiman trồng cây phủ xanh đồi trọc, trước đây nông dân chỉ có thể thu hoạch một lần mỗi năm do thiếu mưa, nhưng giờ đây, nguồn nước dồi dào đảm bảo cho các ngôi làng tận hưởng 2-3 vụ thu hoạch mỗi năm.

Anh Warto, một người cùng làng cho biết: "Trước đây mọi người nghĩ rằng ông ấy bị điên, đổi dê của mình lấy hạt giống cây đa, và ông ấy bị cộng đồng địa phương coi như một gã khùng. Nhưng giờ hãy nhìn vào thành quả mà xem, ông ấy đã có thể giúp đem lại nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu của người dân sống ở nhiều ngôi làng."

Indonesia: Chiến binh sinh thái 69 tuổi vắt kiệt sức lực và tài sản để phủ xanh đồi trọc - Ảnh 3.

Không quản vất vả, khó nhọc, không tiếc thời gian, công sức, và cả của cải, người nông dân nghèo cứ thế âm thầm bảo vệ thiên nhiên, môi trường, giúp đỡ chính những người từng coi ông là khùng điên. Ảnh: REUTERS

Còn trưởng làng Lanjar Riatmo thì chia sẻ: "Tôi thực sự hi vọng sẽ có thêm những Sadiman khác trong tương lai, những người quan tâm tới môi trường. Mặc dù nghèo nhưng ông ấy hoàn toàn tự nguyện và không hề nhận hỗ trợ từ bất kỳ ai. Ông ấy không hề yêu cầu bất cứ thứ gì từ người dân hay chính quyền địa phương, chỉ nhờ giờ giúp đỡ khi cần, nếu không thì ông ấy sẽ không nhờ. Ông ấy thật thà và đã chiến đấu một mình, thực sự là một chiến binh."

Đã cống hiến hết sức lực, hi sinh cả tài sản cá nhân vì lợi ích chung, giờ đây, nhìn thành quả là những màu xanh tươi mát và nguồn nước dồi dào đã gây dựng được, ông Sadiman chỉ có ước nguyện rất giản đơn: "Tôi hi vọng người dân nơi đây có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc mãi về sau, và đừng đốt phá rừng hết lần này đến lần khác nữa."

Ý kiến của bạn