Xã hội

Huyện Lạc Thủy tự tin phát triển vươn lên tầm cao mới

(VOVTV) - Phát huy sức mạnh đoàn kết và bằng những cách làm sáng tạo, linh hoạt, huyện Lạc Thủy quyết tâm tạo đột phá trong giai đoạn mới, phấn đấu đến năm 2025 vươn lên vị trí tốp đầu, nằm trong vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh Hòa Bình.

Tác giả Trọng Hiếu / VOVTV
05/04/2021 11:44

Tạo động lực mới

Chia sẻ với phóng viên VOVTV, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Nguyễn Văn Hải, vui mừng cho biết: Tuy phải đối mặt với nhiều thách thức, song thời gian qua, huyện Lạc Thủy đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ nên tình hình phát triển kinh tế, xã hội của huyện đạt kết quả khá toàn diện.

Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Nguyễn Văn Hải, “ Huyện phấn đấu sớm đạt chuẩn nông thôn mới để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững, vươn lên tầm cao mới”.jpg

Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Nguyễn Văn Hải cho biết: “Huyện sẽ phấn đấu sớm đạt chuẩn nông thôn mới để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững, vươn lên tầm cao mới”

Năm 2020, huyện có 23/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất duy trì ở mức cao, đạt 13,5%. Tổng giá trị sản xuất đạt trên 5 nghìn tỷ đồng, đạt 100,6% kế hoạch; giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 1.269 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt trên 1.563 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 159,162 tỷ đồng, đạt 173,57% so với dự toán UBND tỉnh giao, đạt 107,5% so Nghị quyết HĐND huyện giao.

Mô hình trồng cây lâm nghiệp kết hợp nuôi ong mật tại xã An Bình.jpg

Mô hình trồng cây lâm nghiệp kết hợp nuôi ong mật tại xã An Bình

Đến nay, huyện đã có 8/8 đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã nông thôn mới nâng cao và hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Huyện cũng đã xây dựng nhãn hiệu và tổ chức công bố quy hoạch nhãn hiệu chứng nhận "Dê Lạc Thủy", "Na Lạc Thủy". Đồng thời, chỉ đạo xây dựng và đề nghị tỉnh công nhận 8 sản phẩm OCOP, trong đó, có 1 sản phẩm công nhận đạt 4 sao, 7 sản phẩm công nhận đạt 3 sao. Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Gà Lạc Thủy" cho sản phẩm gà ri của huyện; phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận"Chè Sông Bôi".

Mô hình chăn nuôi Dê Lạc Thủy của Hội gây nuôi động vật hoang dã xã Đồng Tâm.JPG

Mô hình chăn nuôi Dê Lạc Thủy của Hội gây nuôi động vật hoang dã xã Đồng Tâm

Toàn huyện có 31 trang trại đạt tiêu chuẩn theo Thông tư số 02/2020/TT BNNPTNT, ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 54 hợp tác xã cấp mới và chuyển đổi, tổ chức lại thực hiện theo luật Hợp tác xã năm 2012, tăng 8 Hợp tác xã so với cù kỳ.

Công tác thu hút đầu tư tiếp tục có bước khởi sắc. Nhiều dự án quan trọng đang được triển khai đầu tư, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Năm 2020, toàn huyện có 194 công trình đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước, trong đó có 68 công trình xây dựng mới, 97 công trình chuyển tiếp và 29 công trình hoàn thành. Hiện tại, huyện có 54 dự án đầu tư vào địa bàn với tổng số vốn đăng ký khoảng 18.034 tỷ đồng.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 50,5 triệu đồng, đạt 101% so kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,66%. Đời sống tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, phong phú; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm.

Vững vàng trong giai đoạn mới

Những thành tựu đạt được đã tạo động lực để các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân huyện Lạc Thủy quyết tâm đột phá trong giai đoạn phát triển mới, bám sát mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXV đề ra, phấn đấu đến năm 2025, vươn lên tốp đầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hòa Bình.

Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Nguyễn Văn Hải, cho biết: "Những kết quả đạt được thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Huyện ủy, sự giám sát hiệu quả của HĐND huyện, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND huyện, tinh thần vào cuộc với quyết tâm cao của MTTQ và các đoàn thể, sự đồng thuận của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là tinh thần đoàn kết của nhân dân trong huyện".

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Nguyễn Văn Hải, năm 2021, huyện xác định 19 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Đây đều là những chỉ tiêu có tính phấn đấu cao, thể hiện quyết tâm tạo đột phá phát triển trong cả giai đoạn 2020-2025.

Để đạt mục tiêu, huyện tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các ngành, lĩnh vực; tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch. Ưu tiên nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng thị trấn Chi Nê là đô thị loại IV, thị trấn Ba Hàng Đồi là đô thị loại V.

Bộ mặt nông thôn ở Lạc Thủy đang có nhiều đổi mới..JPG

Bộ mặt nông thôn ở Lạc Thủy đang có nhiều đổi mới

Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng.

Là huyện miền núi nhưng lại có những lợi thế riêng nên Lạc Thủy xác định: Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của huyện gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường. Thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tập trung thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, tạo ra cánh đồng lớn để sản xuất sản phẩm hàng hóa.

Thụ phấn cho Na tại vùng trồng Na xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy.JPG

Thụ phấn cho Na tại vùng trồng Na xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường. Tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Đẩy mạnh công tác trồng rừng, phát triển rừng, bảo vệ, khai thác rừng trồng một cách hợp lý và hiệu quả. 

Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại, gia trại phù hợp với nhu cầu thị trường; kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh. Phát triển thủy sản theo hướng bền vững, bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ hệ sinh thái và môi trường nước.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Bảo vệ và phát triển nhãn hiệu các sản phẩm đã được công nhận.

Tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Theo đó, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên xã, giao thông nông thôn, hạ tầng du lịch, hạ tầng điện.

Thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, quyết toán công trình đã hoàn thành. Hỗ trợ các nhà đầu tư trong triển khai dự án đầu tư vào địa bàn huyện, nhất là các dự án trọng điểm.

Thu hồi và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các công trình dự án thuộc thẩm quyền. Tuyên truyền và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; rà soát các khu đất có tiềm năng đưa vào quy hoạch khu đấu giá quyền sử dụng đất. Tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc giải phóng mặt bằng các dự án, tranh chấp đất đai. Tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn; kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép.

Vùng sản xuất Chè tại xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy đã tạo nên thương hiệu sản phẩm và được chứng nhận“Chè Sông Bôi”.JPG

Vùng sản xuất Chè tại xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy đã tạo nên thương hiệu sản phẩm và được chứng nhận “Chè Sông Bôi”

Thúc đẩy tái cơ cấu ngành công nghiệp với mục tiêu đưa công nghiệp trở thành khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp. Tăng cường tiếp xúc, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn về mặt bằng.

Tiếp tục thúc đẩy triển khai đầu tư cải tạo lưới điện, đảm bảo cung ứng điện một cách tốt nhất với chất lượng phục vụ ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu sản xuất và đời sống của người dân. Đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại, tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá các sản phẩm OCOP, cây ăn quả có múi, các mặt hàng nông sản đặc hữu, chủ lực, hàng thủ công mỹ nghệ... của địa phương.

Phát huy những kết quả đã đạt được, huyện Lạc Thủy đang thể hiện sự quyết tâm cao, hành động cụ thể, thiết thực để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế, xã hội đề ra, tự tin, vững vàng bước vào giai đoạn phát triển mới.

Ý kiến của bạn