Huy động nguồn lực để người có công không phải ở nhà tạm, nhà dột nát
(VOVTV) - Tỉnh Cao Bằng hiện có khoảng 36.000 người có công và thân nhân người có công. Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng thời gian qua, Cao Bằng đã cố gắng để huy động các nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hàng nghìn trường hợp diện chính sách.
Năm nay 88 tuổi, cụ Triệu Mùi Sai (xóm Lũng Ỉn, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) mới có được ngôi nhà riêng và kiên cố theo đúng nghĩa. Cụ có 2 người con trai nhưng cả 2 con trai đều đã mất, trong đó anh Đặng Văn Chuổng là liệt sỹ trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ngay trên mảnh đất Cao Bằng.
Các con gái của cụ cũng người mất, người lấy chồng ở xa mà cuộc sống chẳng mấy dư giả nên hiện cụ Triệu Mùi Sai ở cùng gia đình cháu ngoại cũng thuộc diện hộ nghèo của xã. Được Cục Kỹ thuật Hải Quân hỗ trợ số tiền 80 triệu đồng, tháng 5 vừa qua, ngôi nhà gạch 2 gian, mái lợp tôn chống nóng của cụ đã được khởi công và sẽ kịp hoàn thiện ngay trong tháng 7 này.
“Mình không có nhà ở nên cuộc sống rất khó khăn, trước kia mình có làm nhà bên kia, lợp ngói, cột gỗ nhưng mấy năm lại hỏng. Sau cháu ngoại làm lại, tôn nền lên mới ở được chứ mỗi lần mưa, nước lại tràn hết vào nhà. Nhờ Đảng, Nhà nước và Cục kỹ thuật Hải quân mình mới làm được cái nhà che gió, chắn mưa như thế này, để tự gia đình không làm được đâu”, cụ Triệu Mùi Sai cho biết.
Căn nhà của cụ Sai còn được hoàn thành nhờ sự ủng hộ bằng ngày công của chính quyền xã và bà con làng xóm. Bà Lương Thị Ngư, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho biết, khi ngôi nhà của cụ Sai hoàn thành thì toàn bộ gần 40 gia đình chính sách của xã đều đã có nhà ở kiên cố, vững chắc.
“Xã chủ yếu giúp bằng ngày công, ví dụ hỗ trợ ngày công vận chuyển vật liệu, chuyển tài sản. Do xã còn khó khăn nên huy động tiền cũng rất khó, nhưng những năm qua, trên cơ sở gắn kết tình làng nghĩa xóm, chính quyền, bà con giúp nhau bằng ngày công, bằng hỗ trợ giống, phân bón phát triển kinh tế, không để hộ có công bị bỏ lại phía sau. Nhà nào có người ốm, đau chúng tôi huy động cơ quan, đoàn thể như thanh niên, cựu chiến binh, phụ nữ…đến giúp để cho kịp thời vụ”, bà Ngư cho biết.
Cùng niềm vui như cụ Triệu Mùi Sai, gần 10 năm qua hơn 9.300 hộ gia đình là những người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ, thương, bệnh binh,… khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ làm nhà hoặc sửa chữa nhà ở theo QĐ 22/2013 của Chính phủ, đảm bảo tất cả các hộ chính sách được ở trong những ngôi nhà vững chắc, không còn cảnh mưa dột, gió lùa.
Bên cạnh đó, hàng trăm ngôi nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cũng đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các hội đoàn thể, nhà hảo tâm, đặc biệt là Hội Cựu chiến binh Cao Bằng kêu gọi, phối hợp hỗ trợ xây dựng. Ngoài hỗ trợ tiền mặt, các địa phương, tổ chức đoàn thể đã có những hoạt động hỗ trợ thiết thực như giúp đỡ ngày công, hỗ trợ nguyên vật liệu xây dựng… nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư.
Bà Hoàng Thị Mỹ Hảo, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội Cao Bằng cho biết, qua rà soát, toàn tỉnh còn 279 hộ người có công khó khăn về nhà ở, chủ yếu là các trường hợp mới phát sinh.
“Chủ trương của tỉnh là từ nay đến hết năm 2023 sẽ xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; trong đó đặc biệt ưu tiên các đối tượng là gia đình chính sách, người có công. Mặc dù là tỉnh còn khó khăn về kinh tế, xã hội, tuy nhiên quan điểm của tỉnh đó là luôn phải quan tâm, chăm lo để các gia đình người có công phải có mức sống ít nhất là ngang bằng với nhân dân nơi cư trú”, bà Hảo cho hay.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã chọn Cao Bằng để thí điểm xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ngoài nguồn hỗ trợ từ Trung ương, sự ủng hộ của nhiều cơ quan, đoàn thể và các nhà hảo tâm, chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng đều nỗ lực phấn đấu đến 2023, tất cả đối tượng chính sách đều có nơi ở ổn định. Đây cũng là việc làm thể hiện tinh thần đoàn kết và đạo lý uống nước nhớ nguồn từ bao đời nay của của dân tộc Việt Nam.