Huy động gần 792.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt
(VOVTV) - Ngày 3/12, tại thành phố Yên Bái, Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 -2020, định hướng giai đoạn 2021-2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chủ trì và chỉ đạo Hội nghị tổng kết xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 -2020, định hướng giai đoạn 2021-2025.
Tính đến tháng 11/2020, đã có 08/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 gần 792.000 tỷ đồng (bằng 38,1% của cả nước); thu nhập bình quân hộ nghèo khu vực nông thôn đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 tăng khoảng 1,6 lần.
Tuy vậy, kết quả thực hiện từng tiêu chí nông thôn mới ở các địa phương vùng đặc biệt khó khăn đạt thấp so với bình quân chung cả nước và còn một số khó khăn, hạn chế.
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả trong thực hiện xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn của các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, công tác xây dựng nông thôn mới tại vùng đặc biệt khó khăn thời gian tới cần phải có cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, vùng miền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, chính quyền địa phương hiểu và tránh tâm ý ỷ lại vào ngân sách Trung ương...
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương rà soát, hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định cụ thể đối tượng, phạm vi, nội dung hoạt động, đảm bảo thống nhất, tránh chồng chéo.
Đồng thời nghiên cứu cách thức lồng ghép nguồn vốn ngân sách Trung ương của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như nghiên cứu quy định về tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương, trong đó ưu tiên hỗ trợ các thôn, bản, xã vùng đặc biệt khó khăn sớm đạt chuẩn nông thôn mới.
Tin nổi bật
Tin Video