Hướng dẫn các mẹ 4 cách xử lý tiền lì xì của con sau Tết hợp lý nhất
Mừng tuổi hay lì xì cho trẻ là nét đẹp văn hóa của nước ta mỗi dịp Tết đến xuân về. Thông thường, số tiền lì xì của con luôn được cha mẹ “giữ hộ”. Tuy nhiên, thay vì 'tịch thu' bạn cũng có thể lưu ý tới 4 cách sau vừa giữ được tiền lại còn có thể sinh lãi.
Cứ mỗi dịp sau Tết Nguyên Đán, chuyện ứng xử với tiền mừng tuổi (hay còn gọi là lì xì) của con lại được bàn tán xôn xao trên nhiều trang cá nhân, diễn đàn với đa chiều ý kiến.
Có rất nhiều cách ứng xử với tiền lì xì Tết được nêu ra nhưng bị phản ứng nhiều nhất là việc “cưỡng bức tịch thu” tiền lì xì của con. Hành động này bị nhiều người cho là không nên với con.
Thậm chí có trẻ nhỏ còn cảnh giác lo bị mất số tiền được mừng tuổi với cha mẹ.
Một thực tế mà ai cũng cần công tâm nhìn nhận rằng, mỗi gia đình một hoàn cảnh, một điều kiện sống khác nhau. Số tiền mừng tuổi theo đó cũng mang tính chất, giá trị khác nhau. Có gia đình tiền mừng tuổi của con chỉ mang tính vui vẻ, ước lệ.
Nhưng với những gia đình làm nông nghiệp, làm công nhân, viên chức không có tiền thưởng Tết thì tiền cho khoản lì xì Tết khá đau đầu. Vì vậy, nhiều cha mẹ nghĩ tiền lì xì con có được là do cha mẹ “đầu tư” lì xì cho con nhà người khác nên có quyền “tịch thu”.
Tuy nhiên, dịp Tết gia đình nào cũng lên kế hoạch chi tiêu trong đó có cả khoản lì xì nên đây là khoản tiền mất đi. Vì vậy, khi con nhận tiền lì xì là khoản tiền của con nên khi cần dùng đến cần tôn trọng nói chuyện để con tránh bị cảm giác hụt hẫng.
Tiền lì xì dù ít hay nhiều, với trẻ đều là số tiền lớn, nếu cha mẹ không hướng dẫn trẻ cách quản lý, sử dụng tiền lì xì đúng cách có thể ảnh hưởng tới nhận thức về tài chính của trẻ sau này.
Sau tết, cha mẹ cần lập kế hoạch để hướng dẫn con quản lý tiền lì xì.
Cách 1: Lập sổ tiết kiệm cho con
Cha mẹ có thể lập sổ tiết kiệm cho con sau Tết.
Ở thành phố, một số trẻ có thể nhận tiền lì xì lên tới hàng triệu đồng hoặc chục triệu đồng, do đó rất nhiều bậc cha mẹ lo lắng việc con tiêu tiền lì xì sau Tết. Để con trẻ yên tâm số tiền của mình không mất đi và vẫn giữ được lâu dài, cha mẹ nên khuyến khích con lập sổ tiết kiệm trong một ngân hàng nào đó.
Hãy giải thích cho con biết rằng, các khoản tiền chi tiêu hàng ngày như học tập, vui chơi, ăn uống bố mẹ đều lo cho trẻ, vì vậy, số tiền trẻ nhận được chưa cần dùng đến và nên lập sổ tiết kiệm để cất giữ, khi có việc quan trọng sẽ đem ra sử dụng.
Đây chính là bài học tài chính vỡ lòng đối với trẻ để giúp trẻ sử dụng đồng tiền đúng cách và đúng giá trị. Trẻ cũng sẽ học được cách tiết kiệm và không bao giờ lo lắng tiền lì xì bị cha mẹ giữ mất.
Cách 2: Bỏ ống heo
Bỏ ống heo là một trong những hình thức tiết kiệm phổ biến nhất hiện nay nhưng lại có hiệu quả cao, đặc biệt đối với con trẻ. Việc sử dụng tiền lì xì ngày Tết có thể khiến trẻ sử dụng không đúng cách, lãng phí và ảnh hưởng tới cách nhìn nhận vấn đề tài chính của trẻ sau này.
Cha mẹ nên chuẩn bị cho trẻ một chú heo tiết kiệm đáng yêu và khuyến khích trẻ bỏ ống heo. Cách này có thể áp dụng với trẻ nhận số tiền lì xì ít.
Cách 3: Hướng dẫn trẻ cách tiêu tiền hợp lý
Với số tiền lì xì lớn, trẻ khó có thể chi tiêu hợp lý và đúng mục đích. Lúc này, cha mẹ cần lên kế hoạch cho trẻ nên tiêu tiền như thế nào, mua những gì và không nên mua gì. Cha mẹ hãy ưu tiên việc mua sắm những vật dụng cần thiết cho trẻ bằng tiền lì xì như dụng cụ học tập đầu năm chẳng hạn.
Trẻ có thể chưa biết phải dùng tiền để mua những gì là cần thiết và quan trọng. Do đó, nhiệm vụ của cha mẹ là gợi ý và hướng dẫn trẻ.
Ví dụ, nếu trẻ đòi mua trò chơi điện tử hoặc điện thoại, hãy giải thích với trẻ rằng những vật dụng đó chưa quan trọng và không thực sự cần thiết đối với trẻ. Nên định hướng cho trẻ mua những vật dụng mang tính giáo dục cao.
Cách 4: Chia tiền lì xì thành nhiều phần
Cách này sẽ giúp trẻ hào hứng hơn trong việc nhận tiền lì xì năm mới và không cảm thấy khó chịu nếu chẳng may bị cha mẹ giữ. Mẹ có thể chia tiền lì xì làm 5 phần, trong đó 1 phần trẻ sẽ được nhận để mua theo ý thích của mình (đồ chơi, quần áo, đồ ăn…), một phần biếu ông bà, một phần có thể để mua đồ dùng học tập, một phần đút heo,…
Mẹ có thể giúp trẻ hiểu được ý nghĩa trong việc tiêu tiền lì xì. Tiền lì xì tiêu đúng mục đích sẽ giúp người tặng lì xì cảm thấy vui hơn và hứa hẹn năm sau trẻ cũng sẽ nhận được nhiều lì xì như năm nay. Ngược lại, hãy nói với trẻ rằng, nếu tiền lì xì sử dụng không đúng mục đích như con dùng hết số tiền chơi game thì có thể sang năm tới, con sẽ không được nhận tiền lì xì.
Cha mẹ cần hiểu rằng, trẻ không chỉ học văn hóa nhận tiền lì xì mà còn phải học văn hóa tiêu tiền lì xì vì đây là tiền “lộc” đầu năm nên cần cân nhắc khi sử dụng đồng tiền để một năm nhiều may mắn, hạnh phúc.
Tin nổi bật
Tin Video