Kinh doanh

Hưng Yên: Tăng cường quản lý, quy hoạch sử dụng đất cho phát triển công nghiệp

(VOVTV) - Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện tốt công tác quy hoạch sử dụng đất, phù hợp với giai đoạn hiện nay. Trong đó, Hưng Yên đặc quan tâm, chú trọng việc quy hoạch đất sử dụng cho phát triển công nghiệp.

Tác giả Trọng Hiếu/VOVTV
16/12/2022 14:01

Phát huy tiềm năng quỹ đất để thu hút đầu tư

Theo Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên, việc Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Hưng Yên được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 23/5/2013 và phê duyệt điều chỉnh tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 17/4/2018. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp huyện và được UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2013, phê duyệt điều chỉnh trong năm 2018. Trong giai đoạn 2011-2020, với việc thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và sản xuất kinh doanh ngoài khu, cụm công nghiệp đã tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho sản xuất công nghiệp của tỉnh theo quy hoạch, khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Công nghiệp trở thành ngành đầu tàu, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Thực hiện Luật Quy hoạch, tỉnh Hưng Yên đã triển khai công tác tập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong thời gian quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và Công văn số 4744/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 03/9/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021 cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc thực hiện đồng thời kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2025 cấp tỉnh và quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện (10 huyện, thị xã, thành phố) cùng với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Hưng Yên: Tăng cường quản lý, quy hoạch sử dụng đất cho phát triển công nghiệp - Ảnh 1.

Hưng Yên phát huy tối đa tiềm năng quỹ đất cho phát triển công nghiệp, đảm bảo đúng quy hoạch, tạo mặt bằng sạch, điểm đến hấp dẫn, thu hút đầu tư.

Ngày 09/3/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 326/QĐ-TTg phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025. Căn cứ chỉ tiêu được phân bổ, tỉnh Hưng Yên đang hoàn thiện phương án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Hưng Yên để trình thẩm định, phê duyệt. Sau khi quy hoạch tỉnh được duyệt, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đảm bảo chỉ tiêu được phân bổ.

Tỉnh Hưng Yên luôn đặt mục tiêu và có quan điểm phát triển công nghiệp phải đặt trong mối quan hệ tổng thể, phù hợp với phát triển công nghiệp cả nước, vùng Đồng bằng sông Hồng, gắn với quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, bảo đảm khai thác được các tiềm năng, lợi thế của tỉnh về vị trí địa lý, tài nguyên, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Đồng thời, đổi mới phương thức tăng trưởng công nghiệp từ chiều rộng sang chú trọng tăng trưởng theo chiều sâu, tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó ưu tiên khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ…

Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở TN&MT Hưng Yên, cho biết thêm: Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của các địa phương xác định nhu cầu sử dụng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp là 18.903,68ha, tăng 14.914,2ha so với năm 2020 để phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ phân bố trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Cụ thể, nhu cầu quy hoạch đất khu công nghiệp là 6.595,23ha trên địa bàn 8 huyện, thị xã, không quy hoạch đất khu công nghiệp ở huyện Phù Cừ và Văn Giang; đất cụm công nghiệp là 2.651,54ha, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp là 6.437,13ha, đất thương mại dịch vụ là 3.219,78ha xác định trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố.

Hưng Yên: Tăng cường quản lý, quy hoạch sử dụng đất cho phát triển công nghiệp - Ảnh 2.

Xây dựng hạ tầng giao thông ở thành phố Hưng Yên

Xác định thu hút đầu tư là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hưng Yên đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và định hướng cho từng giai đoạn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định "Tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và ngân sách Nhà nước" và "Tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại - dịch vụ và đô thị, phát triển hạ tầng số, ưu tiên hạ tầng giao thông và các địa bàn trọng điểm để tạo động lực phát triển" là hai trong ba khâu đột phá để góp phần xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại.

Để thu hút các nhà đầu tư, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền về lợi thế đầu tư tại địa bàn tỉnh được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, trong đó: Chú trọng công tác công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng nhằm minh bạch hóa việc tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, bảo đảm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hỗ trợ khảo sát địa điểm; chỉ đạo quyết liệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư, sớm bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ.

Hưng Yên: Tăng cường quản lý, quy hoạch sử dụng đất cho phát triển công nghiệp - Ảnh 3.

Một góc bức tranh đô thị thành phố Hưng Yên thân thiện, hiện đại

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Hưng Yên thu hút trên 35 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 15.544 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh đã tiếp nhận trên 34 lượt dự án trong nước điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đầu tư tăng thêm 2.640 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.455 dự án đi vào hoạt động. Các dự án đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, lao động, việc làm và tăng thu ngân sách địa phương.

Tạo mặt bằng sạch hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài

Để khắc phục, giảm bớt những khó khăn, vướng mắc, thực hiện hiệu quả công tác GPMB, nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 08/11/2021 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành "Đề án Nâng cao hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh" được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3022/QĐ-UBND ngày 28/12/2021.

Hưng Yên: Tăng cường quản lý, quy hoạch sử dụng đất cho phát triển công nghiệp - Ảnh 4.

Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp sạch tại huyện Ân Thi, Hưng Yên

Việc triển khai GPMB các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp đặc biệt được quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2021-2025 và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo tại Quyết định số 409-QĐ/TU ngày 11/3/2022, trong đó có 5 Khu công nghiệp, gồm:

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN sạch, diện tích khoảng 143,08 ha thuộc xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi và xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN số 5, diện tích khoảng 192,64 ha thuộc xã Xuân Trúc, Quảng Lãng, huyện Ân Thi và xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN số 3, diện tích khoảng 159,71 ha thuộc xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi và xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Thăng Long II mở rộng (giai đoạn 3), diện tích khoảng 180,5 ha thuộc phường Dị Sử, phường Phùng Chí Kiến, xã Hưng Long, xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, diện tích khoảng 280ha thuộc xã Liêu Xá, xã Tân Lập, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ.

Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thường xuyên họp đánh giá kết quả tổ chức thực hiện công tác GPMB, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Việc thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai cũng luôn được Sở TN&MT Hưng Yên quan tâm, chú trọng để rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số "Tiếp cận đất đai" PCI tỉnh Hưng Yên.

Trong thời gian qua, để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tỉnh Hưng Yên đã đề ra nhiều giải pháp để đảm bảo các điều kiện tiếp cận đất đai cho các doanh nghiệp dễ dàng, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy đầu tư như: Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời, cải cách TTHC, công khai quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, giới thiệu địa điểm phù hợp và hỗ trợ thủ tục hành chính thông qua các đơn vị xúc tiến đầu tư của tỉnh …100% thủ tục hành chính được thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công và Kiểm soát TTHC, việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Sở đã tích cực đẩy mạnh dịch vụ công lên mức độ 3, mức độ 4; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến.

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác CCHC, nhằm đơn giản hóa, minh bạch hóa, công khai hóa trong quan hệ giải quyết công việc giữa cơ quan Nhà nước với tổ chức, công dân, là một trong những ngành có nhiều TTHC, thời gian qua, Sở TN&MT Hưng Yên luôn chú trọng, đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết; tăng cường thực hiện liên thông trong giải quyết TTHC, sử dụng nền tảng số trong giải quyết TTHC giảm thời gian, chi phí đi lại của tổ chức, doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong thực hiện TTHC, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở TN&MT Hưng Yên, cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 07/7/2022 của UBND tỉnh về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Hưng Yên, Sở TN&MT đã ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh trang cấp tỉnh (PCI) của Sở TN&MT năm 2022 với các nhiệm vụ cụ thể để góp phần nâng cao chỉ số "Tiếp cận đất đai". Theo đó, Sở TN&MT tập trung ra soát, cải tiến các thủ tục và quy trình giải quyết TTHC liên quan đến giao đất, cho thuê đất, giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến đất đai.

Hưng Yên: Tăng cường quản lý, quy hoạch sử dụng đất cho phát triển công nghiệp - Ảnh 5.

Việc triển khai GPMB các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp luôn được Hưng Yên đặc biệt được quan tâm

Đề xuất UBND tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai. Tham mưu việc công khai quy hoạch, thông tin về các quỹ đất sạch bán đấu giá kêu gọi nhà đầu tư, các dự án có sử dụng đất kêu gọi đầu tư trên cổng Thông tin điện tử của Sở Sở TN&MT để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.

Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao hiệu quả trong công tác GPMB để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chủ động tham mưu, phối hợp cùng UBND cấp huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh.

Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp cắt giảm thời gian giải quyết TTHC về đất đai, như: Số ngày cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai cho doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai hiệu quả, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Thực hiện kết nối liên thông và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong giải quyết TTHC về giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Bằng các giải pháp thiết thực trong việc quản lý, quy hoạch sử dụng đất, tỉnh Hưng Yên tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, Hưng Yên có nhiều cơ hội phát triển công nghiệp theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, tăng hàm lượng khoa học, suất đầu tư lớn, đặc biệt là các dự án thân thiện với môi trường, nâng cao tỷ trọng giá trị nội địa hóa trong sản phẩm.


Ý kiến của bạn