Hưng Yên: Tăng cường công tác quản lý khoáng sản vật liệu
(VOVTV) - Thời gian qua, chính quyền địa phương các cấp và các sở, ngành của tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều văn bản tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, khai thác cát. Các lực lượng thanh tra, kiểm tra và xử lý khai thác cát trái phép đã phối hợp chặt chẽ, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý khoáng sản vật liệu.
Những bất cấp cập, vướng mắc
Hưng Yên là tỉnh có khoáng sản làm vật liệu xây dựng hạn chế, chỉ có nguồn cát với trữ lượng ít, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu xây dựng của tỉnh, không có khoáng sản vật liệu xây dựng khác.
Theo số liệu điều tra, tổng hợp đưa vào quy hoạch của Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên, trữ lượng cát sông trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng hơn 16 triệu, 283 nghìn mét khối. Cát được phân bố chủ yếu tại các bãi bồi ven sông và lòng sông. Chất lượng cát thấp, chủ yếu là cát hạt nhỏ, lẫn bùn sét, chỉ đáp ứng làm vật liệu san lấp là chủ yếu. Những năm gần đây, hiện tượng bồi lắng trên sông Hồng tại Hưng Yên rất ít, trữ lượng cát sông ngày càng cạn kiệt, khó khăn cho các dự án trên địa bàn tỉnh. Nhu cầu cát phục vụ các dự án trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thời gian tới là rất lớn, khoảng trên 90 triệu mét khối. Nhất là hiện nay nhiều dự án trọng điểm được triển khai, như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp…
Hiện nay, công tác quy hoạch gặp nhiều khó khăn do lượng cát sông chủ yếu nằm trên các bãi bồi ven sông, thuộc khu vực nhân dân đang sản xuất nông nghiệp. Nhiều khu vực trên sông Hồng có tiềm năng trừ lượng cát, đang được bồi tụ có thể đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác nhưng khi xin ý kiến các tỉnh, thành phố giáp ranh lại không nhất trí, vì phía Hưng Yên là bên bồi thì phía bên tỉnh, thành phố lân cận sẽ là bên lở.
Bên cạnh đó, việc thống kê, kiểm kê trữ lượng chủ yếu do doanh nghiệp tự thực hiện và báo cáo. Định kỳ Sở TN&MT tỉnh lập dự án đo đạc, kiểm kê trữ lượng tất cả các khu vực được cấp phép. Tuy nhiên, công tác theo dõi, quản lý khối lượng khai thác, mua, bán cát sông của các doanh nghiệp được cấp phép cũng còn gặp nhiều khó khăn. Việc xuất bán hóa đơn, chứng từ của các doanh nghiệp thường không đúng với khối lượng khai thác thực tế. Các doanh nghiệp đa phần bán cát cho các tổ chức, cá nhân xây dựng, san lấp mà không cần hóa đơn, hoặc có hóa đơn ghi khối lượng nhỏ nhưng xuất bán khối lượng lớn.
Trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản mất nhiều thời gian, thời gian thực hiện dài, như: Đấu giá, cấp giấy phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, giấy chứng nhận đầu tư, đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường và hồ sơ cấp giấy phép khai thác. Đối với cát sông có sự biến động trữ lượng lớn, khó khăn cho việc xác định trữ lượng trước khi cấp phép để xử phạt. Sau khi cấp phép thường xảy ra xung đột về lợi ích giữa doanh nghiệp được cấp phép với các cá nhân khai thác cát trái phép, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Nhiều điểm mỏ sau khi đấu giá xong nhưng không thực hiện được do không thu hồi được đất hoặc không được sự đồng thuận của địa phương, gây lãng phí thời gian, tiền của Nhà nước, doanh nghiệp.
Nhiều giải pháp tháo gỡ
Từ nhiều năm nay, tỉnh Hưng Yên đã đưa vào quy hoạch các khu vực có cát bồi thường xuyên và tổ chức đấu giá, cấp phép khai thác cát sông cho các tổ chức có đủ năng lực thực hiện khai thác. Do vậy, đã đáp ứng một phần nhu cầu xây dựng của tỉnh, tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, đồng thời từng bước ngăn chặn, chấn chỉnh hiện tượng khai thác cát sông trái phép. Hiện nay, tỉnh Hưng Yên không có điểm mỏ thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tất cả các khu vực đều phải đấu giá. Hưng Yên cũng không cấp mỏ vật liệu xây dựng phục vụ các dự án trọng điểm.
Năm 2019, tỉnh Hưng Yên tổ chức đấu giá thành công 3 điểm mỏ cát sông, thu ngân sách 11,7 tỷ đồng. Hiện nay, 3 điểm mỏ đã được cấp phép khai thác và đang hoạt động. Năm 2022, tỉnh Hưng Yên tiếp tục tổ chức đấu giá thành công 1 điểm mỏ cát sông, ở khu vực chưa thăm dò. Hiện nay, điểm mỏ này đang thực hiện các trình tự, thủ tục để cấp giấy phép khai thác, chưa tính tiền đấu giá.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên nước - Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, cho biết: Đối với các giấy phép được cấp đều phải công khai các thông tin của giấy phép để các cơ quan và nhân dân cùng giám sát. Các đơn vị đều kê khai và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Các dự án khai thác đều lập đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường và có phương án đảm bảo an toàn lao động trong khai thác. Về cơ bản, các tổ chức được cấp phép đều chấp hành tốt, nhiều năm qua chưa xảy ra vụ tai nạn lao động, sự cố môi trường nghiêm trọng nào trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, Sở TN & MT Hưng Yên đều xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và tổ chức thực hiện. Ngoài ra còn có các đợt kiểm tra của các cơ quan Trung ương, địa phương và kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh.
Ngày 27/12/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 194 /KH-UBND về việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo đó, trong năm 2024 có thêm 3 khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản là 3 điểm mỏ cát trên sông Hồng được lựa chọn đưa ra đấu giá, phục vụ khai thác.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên chỉ có một số mỏ cát san lấp có thể cung cấp cho các dự án đường bộ cao tốc. Đó là, 3 mỏ cát sông đã được quy hoạch, đấu giá và cấp phép khai thác đang hoạt động tại các xã Quảng Châu, Hoàng Hanh và Tân Hưng, thành phố Hưng Yên, với tổng trữ lượng 1 triệu mét khối, công suất khai thác 200 nghìn mét khối một năm. Các mỏ này không nâng được công suất theo cơ chế đặc thù, theo Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ. Một mỏ cát được quy hoạch, đã đấu giá tại xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, trữ lượng khoảng 1 triệu mét khối, đang thực hiện thăm dò và làm thủ tục cấp phép khai thác. Một mỏ cát được quy hoạch tại xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên, trữ lượng khoảng 500 mét khối, đang thực hiện các trình tự, thủ tục để đấu giá nhưng chưa thực hiện được, do tình hình an ninh trật tự, không được sự đồng thuận của nhân dân trong khu vực. Bên cạnh đó, còn có 6 điểm mỏ cát lòng sông Hồng, dự kiến trữ lượng khoảng trên 2 triệu mét khối, chưa được quy hoạch, đã đưa vào phương án bảo vệ, khai thác và sử dụng khoáng sản, tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Hưng Yên đến năm 2030. Hiện nay, Quy hoạch tỉnh chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản, đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng để kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm liên quan tới khoáng sản.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan cũng đang tiến hành lập, trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước đối với các khu vực mỏ đưa ra đấu giá để làm cơ sở tổ chức thực hiện đấu giá; lập, trình UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ mời tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tiếp nhận, xét chọn hồ sơ tham gia đấu giá; phối hợp với đơn vị đấu giá chuyên nghiệp tổ chức phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các mỏ cát theo quy định của pháp luật.
Các sở, ngành, đơn vị chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn cũng tích cực tăng cường công tác quản lý khoáng sản trong toàn tỉnh nói chung và nguồn cát sông nói riêng. Bảo đảm việc khai thác đúng quy định, bảo đảm an toàn, dân sinh, phục vụ hiệu quả các công trình, dự án của tỉnh.
Các doanh nghiệp khai thác cát trong tỉnh hiện nay đều đang ưu tiên cung cấp cát cho dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, thực hiện theo đúng nội dung giấy phép đã được cấp và cam kết của doanh nghiệp: "chỉ phục vụ các dự án trên địa bàn tỉnh".
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, cần sớm ban hành Nghị định, Thông tư quy định, hướng dẫn chi tiết, cụ thể về trình tự thủ tục thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Sửa đổi Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước và Khoáng sản, bổ sung chế tài, tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm, như: Không đăng ký tàu thuyền, tàu thuyền không treo biển hiệu, khai thác không đúng thời gian quy định. Sửa đổi Nghị định xử phạt về lĩnh vực thương mại, tăng khung hình phạt về hành vi vi phạm hành chính trong việc mua bán, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
Đơn giản hóa trình tự thủ tục, hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản đối với một số khoáng sản có giá trịnh kinh tế thấp, quy mô khai thác nhỏ, yêu cầu kỹ thuật khai thác đơn giản như đất, cát san lấp…
Cần có quy định phải giải phóng mặt bằng và tham vấn cộng đồng về sự đồng thuận của chính quyền và các đoàn thể tại địa phương trước khi đưa ra đấu giá các điểm mỏ cát.
Các cấp chính quyền cần chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về khoáng sản cho nhân dân, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu các vụ vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản.
Tin nổi bật
Tin Video