Hưng Yên: Nỗ lực thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn
(VOVTV) - Từ nhiều năm nay, tỉnh Hưng Yên luôn chủ động xây dựng, triển khai các phương án, lộ trình cụ thể để bảo vệ môi trường. Trong đó, việc tập trung mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng các công trình hệ thống, mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn được coi là giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Môi trường từng bước được cải thiện
Kênh mương, ao hồ ở thôn An Nhuế, xã Đình Cao, huyện Phù Cừ trước kia luôn trong tình trạng ô nhiễm, tù đọng, bốc mùi hôi thối do nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân thải ra mỗi ngày. Nhưng nay, tình trạng ô nhiễm này đã từng bước được cải thiện. Đặc biệt là từ cuối năm 2022, mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn ở đây đi vào hoạt động, toàn bộ nước thải sinh hoạt trong thôn được thu gom, xử lý. Nhờ vậy, hệ thống cống rãnh không còn tồn đọng nước thải, ý thức về bảo vệ môi trường của người dân trong thôn cũng được nâng cao.
Ông Nguyễn Ngọc Thụy, thôn An Nhuế, vui mừng cho biết: Hiện nay, nước thải sinh hoạt đã được xử lý tốt, rất an toàn, không còn mùi hôi thối nữa. Đời sống của nhân dân được cải thiện, cảnh quan môi trường trong lành hơn, người dân rất phấn khởi.
Ngoài thôn An Nhuế, mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt thôn Tam Đa, xã Tam Đa của huyện Phù Cừ cũng đã đưa vào hoạt động hiệu quả, cải thiện tốt nguồn nước thải sinh hoạt.
Hệ thống xử lý nước thải quy mô cụm hộ gia đình xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, có công suất khoảng 50 m³/ngày đêm, được thiết lập trên cơ sở xây dựng hệ thống gom nước thải từ hệ thống thải của các hộ gia đình trong khu dân cư vào hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Được biệt, công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn ở Hưng Yên, có công suất trung bình từ 50-70 m³/ngày đêm, cho khoảng 130 hộ dân. Nước thải sinh hoạt của các hộ khi vào hệ thống sẽ qua các bước lọc, lắng cặn, hóa sinh, vi sinh… Sau khi nước thải được xử lý, quan sát bằng mắt thường thấy trong sạch hơn và không có mùi khó chịu. Kết quả xét nghiệm định kỳ của Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên, nước thải sau khi xử lý đều đạt tiêu chuẩn để thải ra môi trường.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên, trước đây, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có 4 mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại 4 khu dân cư, đô thị tập trung; 3 mô hình tại cụm hộ gia đình, gia đình ở khu vực nông thôn, 1 mô hình tại trường học. Các mô hình này hoạt động hiệu quả, đã góp phần cải thiện chất lượng môi trường nước mặt tại địa phương.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn, ngày 19/1/2023, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 175/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án "Thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Mục tiêu chung của Đề án là giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn tỉnh Hưng Yên, tạo cảnh quan môi trường sống xanh - sạch - đẹp, bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Cải thiện chất lượng nước mặt hệ thống Bắc Hưng Hải, các sông, kênh, mương, ao hồ trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu về cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân.
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên, cho biết: Trong quá trình triển khai xây dựng Đề án, Sở TN&MT đã có văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn vị trí xây dựng mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn. Rà soát các vị trí xây dựng công trình xử lý nước thải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; thực hiện điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất của huyện, thị xã, thành phố giai đoạn 2021-2030 đối với các vị trí chưa nằm trong quy hoạch.
Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã lựa chọn được 439 vị trí có thể đáp ứng xây dựng các công trình xử lý nước thải sinh hoạt. Trong đó, có 28/439 vị trí của huyện Phù Cừ và TP Hưng Yên đã có trong Quy hoạch sử dụng đất; 411/439 vị trí tại các huyện, thị xã còn lại sẽ bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn từ năm 2021-2030 đảm bảo việc xây dựng, lắp đặt công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu, cụm dân cư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
Bước đầu triển khai thực hiện Đề án, có 2 huyện, thành phố đầu tư mới công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt. Huyện Phù cừ đã và đang xây dựng 5 công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, mỗi công trình có công suất 50 m³/ngày đêm tại thôn Khả Duy, xã Đoàn Đào; thôn Trà Bồ, xã Phan Sào Nam; thôn Tam Đa, xã Tam Đa; thôn Nhật Lệ, xã Nhật Quang và thôn An Nhuế, xã Đình Cao.
Huyện Phù Cừ đang tiếp tục khảo sát, có kế hoạch xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại 8 xã còn lại, mỗi xã lựa chọn 1 vị trí để xây dựng hệ thống. Hướng tới, huyện Phù Cừ phấn đấu mỗi xã xây dựng 2 hệ thống xử lý nước thải. Đây là một trong những giải pháp góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nguồn nước và sớm đạt tiêu chí môi trường trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện.
TP Hưng Yên đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt làng nghề bún đậu tại thôn Viên Tiêu, xã Tân Hưng, công suất 150 m³/ngày đêm. Hệ thống đang giai đoạn hoàn thiện lắp đặt máy móc, thiết bị và dự kiến quý III năm 2023 đi vào hoạt động. TP Hưng Yên cũng đang lập hồ sơ dự án đầu tư công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, chăn nuôi trong khu dân cư tại xã Phú Cường, công suất 200 m³/ngày đêm.
Như vậy hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có 16 công trình xử lý nước thải khu dân cư nông thôn được xây dựng, vận hành. Tổng công suất công trình xử lý nước thải đã đầu tư 3.413,2 m³/ngày đêm, đạt 3,4% tổng lượng nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Kết quả bước đầu thực hiện Đề án, cho thấy, các sở, ngành, địa phương đã rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện đề án, tích cực tổ chức triển khai xây dựng công trình xử lý nước thải khu dân cư nông thôn. Các mô hình đã cho thấy hiệu quả tích cực trong việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt.
Đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh Hưng Yên hiện phát sinh gần 100 nghìn mét khối nước thải sinh hoạt/ngày đêm. Phần lớn lượng nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình trong tỉnh chưa được thu gom, xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường đang là một trong những tác nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước mặt.
Tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu có 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý. Đến năm 2045 có 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, trong đó 30% nước thải sinh hoạt được xử lý.
Theo đó, việc quản lý, xử lý nước thải phát sinh từ khu dân cư nông thôn nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, bảo đảm chất lượng nước mặt phục vụ việc lấy nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.
Thu gom, xử lý nước thải là trách nhiệm của toàn xã hội; nguồn lực đầu tư xây lắp, vận hành công trình xử lý nước thải dựa trên nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền". Theo đó, các tổ chức, cá nhân phát sinh nước thải phải có trách nhiệm đầu tư xây lắp, vận hành công trình xử lý nước thải; có trách nhiệm chi trả kinh phí, khắc phục, bồi thường thiệt hại nếu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường theo quy định của pháp luật; nguồn thu từ dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp chi phí dịch vụ thoát nước. Nhà nước có chính sách hỗ trợ xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực cho công tác thu gom, xử lý nước thải.
Thu gom, xử lý nước thải trong khu dân cư nông thôn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương; công nghệ xử lý áp dụng tối ưu về kinh tế, kỹ thuật, chi phí đầu tư, vận hành; tái sử dụng nước thải sau xử lý, tiết kiệm tài nguyên nước và thu gom, xử lý, tái sử dụng bùn thải từ hệ thống thoát nước, xử lý nước thải.
Huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý vận hành và bảo vệ công trình thu gom và xử lý nước thải theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng". Xử lý nước thải nông thôn tiến hành song song với thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới để bảo đảm đạt tiêu chí về môi trường.
Để hoàn thành các mục tiêu, UBND tỉnh Hưng Yên đề ra các nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các dự án đầu tư khu dân cư, các khu dân cư mới phải đầu tư hệ thống thoát nước mưa tách riêng thoát nước thải và xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung. Các xã nông thôn mới kiểu mẫu phải có công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt.
Đầu tư công trình tại những nơi đã có vị trí phù hợp quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm thu gom được nước thải và có hệ thống cấp nước sạch tập trung. Khuyến khích, ưu tiên, hỗ trợ, đẩy mạnh các đơn vị tư nhân đầu tư xây dựng, vận hành công trình xử lý nước thải sinh hoạt gắn với hoạt động cấp nước sạch tập trung.
Nước thải sinh hoạt từ các tổ chức, hộ gia đình trong khu dân cư tập trung không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Các tổ chức, hộ gia đình tại các khu dân cư không tập trung phải được thu gom, xử lý tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả vào nguồn tiếp nhận. Duy trì, vận hành tốt các mô hình công trình thu gom, xử lý nước thải quy mô hộ, cụm hộ gia đình đã đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên, cho biết: Để đạt được các mục tiêu của Đề án "Thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương cần phải đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án.
Tập trung tuyên truyền, phổ biến, triển khai các nội dung của Đề án. Lồng ghép vào nội dung tuyên truyền về môi trường do các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hàng năm. Tổ chức các cuộc hội thảo, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân. Đầu tư công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, tận dụng nước thải sau xử lý để tưới cây, hạn chế xả ra môi trường để giảm thiểu ô nhiễm nước ao, hồ, kênh, mương.
Đào tạo cán bộ kỹ thuật công nghệ xây lắp, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng công trình xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư; Xây dựng mô hình tổ chức quản lý vận hành công trình xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp tại các địa phương; đánh giá hiệu quả các mô hình tổ chức vận hành công trình làm cơ sở nhân rộng trên toàn tỉnh.
Quy hoạch chi tiết việc tiêu thoát nước, xử lý nước thải khu dân cư nông thôn. Những khu dân cư mới, bắt buộc phải đầu tư công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, tách riêng nước mưa, nước thải.
Huy động các nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách thông qua áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp trong sử dụng đất, thuế, phí, lệ phí, thủ tục hành chính, kinh phí đầu tư và sau đầu tư.
Tăng cường trách nhiệm UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai đầu tư xây dựng, vận hành công trình xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn. Ưu tiên xã hội hóa đầu tư công trình xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn gắn với hoạt động cấp nước sạch tập trung và lựa chọn triển khai trước ở những nơi có vị trí phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, có hệ thống cấp nước sạch tập trung, có thể thu gom được nước thải./.
Tin nổi bật
Tin Video