Hưng Yên: Bức tranh nông thôn Tiên Lữ thêm tươi mới bằng các thiết chế văn hóa
(VOVTV) - Vẻ đẹp thanh bình, trù phú của những làng quê thuần nông huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đang được tô điểm thêm bằng việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở. Đây cũng là cách nghĩ, cách làm của cấp ủy, chính quyền ở một huyện đặc thù với nhiều khó khăn nội tại, để chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Làng quê có thêm nét đẹp
Huyện Tiên Lữ có dòng sông Luộc chảy qua, nằm gần vị trí ngã ba sông, nơi tiếp giáp tam tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và Hà Nam. Sự hợp lưu giữa sông Hồng và sông Luộc đã tạo nên nét văn hóa riêng vùng lúa nước, sông nước nơi đây. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, vùng đất phù sa huyện Tiên Lữ, nơi sinh ra người Anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám vẫn còn lưu giữ những giá trị hồn cốt văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Bên cạnh những khu vườn cây trái, cánh đồng lúa phì nhiêu, bát ngát là những làng xóm thanh bình còn lưu giữ những nét cổ kính, bình dị, mộc mạc, với giếng nước, gốc đa, sân đình cùng với nhiều di tích lịch sử - văn hóa lâu đời, nổi tiếng.
Giữa những đan xen của nét văn hóa truyền thống với nét văn hóa, nếp sống mới văn minh, hiện đại ở khu dân cư, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, trong đó, xây dựng nhà văn hóa, sân chơi thể thao các thôn, khu phố, các xã, thị trấn và nhà văn hóa huyện như một sự điểm xuyết, làm cho bức tranh nông thôn ở Tiên Lữ thêm tươi mới, vừa cổ kính, vừa hiện đại mà vẫn mang đậm nét văn hóa bản sắc thuần Việt.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ Nguyễn Đức Lăng, cho biết: Nhiều năm nay, ngoài việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, huyện còn quan tâm, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân bằng việc xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở.
Nhà văn hóa, sân chơi thể thao từ trung tâm huyện đến các xã, thị trấn, các thôn, khu phố được xây dựng, bà con nhân dân có thêm nơi vui chơi giải trí, tập luyện thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tổ chức các sự kiện chính trị, xã hội của địa phương. Qua đó, tạo đà phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.
Trước hết, để đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, kế hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt, huyện Tiên Lữ đã thực hiện tốt việc quy hoạch diện tích đất sử dụng xây dựng thiết chế văn hoá, thể dục thể thao của huyện và 15 xã, thị trấn với tổng diện tích trên 20ha.
Đồng thời, huyện chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung đầu tư và đặt ra mục tiêu hàng năm tăng tỷ lệ đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ của ngành văn hóa trong tình mới.
Bằng nhiều cách làm linh hoạt của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng với sự hưởng ứng tham gia tích cực của nhân dân mà hội trường nhà văn hóa, trang thiết bị, cổng làng, sân chơi thể thao… ở nhiều khu phố, thôn, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tiên Lữ được đầu tư, chỉnh trang sửa chữa, xây mới, tạo cho làng quê có thêm nét đẹp, diện mạo mới, đưa các hoạt động phong trào của địa phương phát triển.
So với nhiều địa phương khác của huyện Tiên Lữ, xã Hưng Đạo không có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội. Thế nhưng, ấn tượng của chúng tôi khi đến xã Hưng Đạo là những thay đổi rõ rệt về diện mạo và sự đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ nhà văn hóa, trang thiết bị, đến sân chơi, bãi tập... Đây cũng là điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới của xã Hưng Đạo.
Bí thư Đảng ủy xã Hưng Đạo, ông Trần Đức Thắng cho biết, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở rất thiết thực đối với các vùng quê. Đặc biệt là đối với xã thuần nông Hưng Đạo còn rất nhiều khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ đầu tư kinh phí của tỉnh và huyện thì không biết đến bao giờ xã mới xây dựng được các nhà văn hóa thôn, trong khi nhu cầu của nhân dân rất cao.
Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo Tạ Quang Mạnh, cho biết thêm: "Từ năm 2019, xã triển khai xây dựng đồng loạt 5 nhà văn hóa ở tất cả 5 thôn của xã, với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Nhân dân ở một số thôn còn đóng góp kinh phí đầu tư trang thiết bị âm thanh, ánh sáng cho nhà văn hóa.
Từ khi các thiết chế văn hóa được đầu tư, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao trong xã phát triển rất nhanh. Người dân có cuộc sống văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt. Có nhà văn hóa, các thôn tổ chức hội họp, sinh hoạt Chi bộ, đoàn thể rất thuận tiện, tập trung, không bị phân tán như trước kia phải tạm bợ ở các tổ đội sản xuất".
Điểm nổi bật nhất ở huyện Tiên Lữ là trong những năm qua, huyện đã tập trung mọi nguồn lực, đầu tư trên 30 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa huyện có quy mô 350 chỗ ngồi, với hệ thống trang thiết bị hiện đại; xây dựng hệ thống tường bao, sân, vườn, cây xanh khu vực trung tâm văn hóa, thể thao huyện; đầu tư xã hội hóa sân bóng đá mini, bể bơi, bước đầu đáp ứng nhiệm vụ chính trị, nhu cầu hoạt động văn hóa thể thao của nhân dân trên địa bàn huyện.
Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Lữ Võ Tuyết Mai, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở rất phong phú, đa dạng, song huyện chọn lựa đầu tư các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa – thể thao ở các xã, thị trấn và các thôn, khu phố là những hạng mục cốt lõi, trọng tâm nhất gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.
Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng, tu sửa và nâng cấp nhà văn hóa, khu thể thao trên địa bàn huyện đã trở thành điểm sáng của tỉnh Hưng Yên. Bằng nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân, từ năm 2017 đến nay, toàn huyện Tiên Lữ đã có 5 nhà văn hóa xã, 35 nhà văn hóa thôn được xây dựng mới, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Các nhà văn hóa thôn, xã, thị trấn còn được đầu tư nâng cấp hệ thống âm thanh ánh sáng; hệ thống cổ động trực quan… Tổng kinh phí đầu tư cho thiết chế văn hóa giai đoạn 2015 - 2020 là hơn 244 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh và huyện hơn 103 tỷ đồng, ngân sách cấp xã hơn 140 tỷ đồng.
Nhờ vậy, huyện Tiên Lữ hiện nay đã có 53/55 thôn, khu phố có nhà văn hóa độc lập; 55/55 thôn, khu phố có các Câu lạc bộ Văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao là hạt nhân phong trào văn hóa, thể thao ở cơ sở, phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị ở địa phương.
Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà văn hóa, khu thể thao, thời gian qua, huyện Tiên Lữ còn thường xuyên củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý, phát triển nguồn nhân lực phụ trách hoạt động trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên được bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác, sử dụng thiết chế văn hóa cộng đồng từ huyện đến cơ sở xã, thị trấn.
Nâng cao hiệu quả thiết chế văn hóa
Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở ở Tiên Lữ từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang đã phát huy được hiệu quả, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Thông qua việc đầu tư xây dựng và quản lý hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở, số lượng Câu lạc bộ, đội văn nghệ ngày một phát triển, hoạt động thể dục, thể thao có nhiều chuyển biến, công tác xã hội hóa hoạt động thể dục, thể thao được củng cố và đẩy mạnh. Các phong trào hoạt động thể dục, thể thao cơ sở thu hút ngày càng đông đảo quần chúng tham gia.
Ông Nguyễn Đăng Khôi, thôn An Xá, xã An Viên cho biết, trước kia, thôn chưa có nhà văn hóa, các cuộc hội họp rất bí, phải tổ chức nhờ ngoài Đình. Nay có nhà văn hóa, người dân rất phấn khởi, có nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe.
Chị Đỗ Thị Hằng thôn Nội Lễ, xã An Viên cho biết thêm, nhà văn hóa, sân chơi thể thao của thôn được đầu tư xây dựng rất hữu ích. Đây không chỉ là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng, nơi diễn ra các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, mà nhiều gia đình, do diện tích chật hẹp đã tổ chức tiệc cưới cho con ngay tại khuôn viên sân nhà văn hóa, rất thiết thực.
Hệ thống thiết chế văn hóa hiện có trên địa bàn huyện Tiên Lữ đã xây dựng trong những năm qua là kết quả đầu tư từ tỉnh đến cơ sở và sự đóng góp của nhân dân. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào, các cuộc vận động lớn.
Việc xây dựng và tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa đã tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Để nâng cao hiệu quả hơn nữa hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, mới đây, huyện Tiên Lữ đã xây dựng và triển khai Đề án "Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thiết chế văn hóa ở cơ sở, góp phần xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện Tiên Lữ, giai đoạn 2021- 2025".
Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ Nguyễn Đức Lăng, cho biết: Việc xây dựng và thực hiện Đề án là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay, thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Tiên Lữ, nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa từ huyện đến cơ sở.
Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tất yếu, khách quan của nhân dân về hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh. Đây cũng là điều kiện quan trọng để thực hiện và nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Trên cơ sở đó, huyện Tiên Lữ tiếp tục đầu tư xây dựng tiến tới hoàn thiện các hạng mục, công trình phụ trợ của Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện; có đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy quản lý đáp ứng các nhu cầu hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao của mọi tầng lớp nhân dân.
Tất cả 15/15 xã, thị trấn sớm hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp sân thể thao và quy hoạch Trung tâm văn hóa - Thể thao xã theo quy định bao gồm: Nhà Văn hóa, sân thể thao, đài truyền thanh, Câu lạc bộ Văn hóa, thể dục thể thao.
Các xã xây dựng Cổng thông tin điện tử để nâng cao tiêu chí về tiếp cận thông tin của xã nông thôn mới. Tăng cường các nguồn lực để bổ sung trang thiết bị cho nhà văn hóa, đảm bảo đủ bàn ghế hội trường, phông màn, thiết bị âm thanh, ánh sáng và một số nhạc cụ, phục vụ cho hoạt động biểu diễn văn nghệ. Lắp đặt camera an ninh giám sát tại các Di tích đã xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Toàn bộ 55 thôn, khu phố hoàn thành xây dựng nhà văn hóa – khu thể thao theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, quy hoạch, xây dựng khu vui chơi cho trẻ em và người cao tuổi; đầu tư một số trang thiết bị phục vụ các hoạt động tập luyện và vui chơi thường xuyên. Nâng cao chất lượng tủ sách thư viện tại các nhà văn hóa, trang bị bổ sung các đầu sách mới phù hợp tình hình phát triển của đất nước nhu cầu của nhân dân, nâng cao văn hóa đọc…
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền huyện Tiên Lữ đã luôn quan tâm phát triển đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên nền tảng bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng và tăng cường hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở; thực hiện tốt quy ước thôn, làng văn hóa; xây dựng, các câu lạc bộ, tổ, đội văn nghệ duy trì hoạt động; huy động cả xã hội để phát triển sự nghiệp văn hóa là cơ sở, mục tiêu để phát triển kinh tế.
Năm 2019, huyện Tiên Lữ đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.