Tin tức

Họp báo Chính phủ thường kỳ: Đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng 1 lần

(VOVTV) - Chiều nay (5/8), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7. Các vấn đề về không tăng học phí các bậc học trong năm học 2023-2024, đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng 1 lần, việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng… đã được đại diện các Bộ, ngành giải đáp.

Tác giả Phương Thoa / VOV1
05/08/2023 19:05

Trả lời báo chí về việc không tăng học phí các bậc học trong năm học 2023-2024, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, trong tình hình của đất nước có nhiều khó khăn, mục tiêu Chính phủ đặt ra rất rõ đó là: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống của nhân dân. Vì vậy, việc không tăng lệ phí cũng sẽ giúp cho người dân giảm gánh nặng trong việc trả phí cho con em mình.

Bộ sẽ hoàn thiện lại dự thảo Nghị định, xin ý kiến các bộ, ngành để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Tuy vậy, việc không tăng học phí cũng là một thách thức lớn cho ngành giáo dục để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Trả lời về đề xuất của Bộ Công thương sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, trong đó thời gian điều chỉnh tối thiểu là 3 tháng/lần liệu có khả thi, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Việc này phù hợp với quy định hiện nay tại Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải báo cáo tính toán giá điện cập nhật hàng quý.

do_thang_hai.jpg

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023 Ảnh: VGP

Về chu kỳ điều chỉnh giá điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, do giá nhiên liệu thế giới tăng cao từ cuối quý 1 năm ngoái. Chi phí nhiên liệu mà Việt Nam phải nhập khẩu để sản xuất điện cũng tăng theo giá thế giới, làm chi phí mua điện của EVN tăng cao ảnh hưởng đến cân đối tài chính và dòng tiền của EVN, EVN đã đề xuất điều chỉnh tăng giá điện năm 2022, 2023 để đảm bảo có dòng tiền thanh toán việc mua điện từ các nhà máy điện để hỗ trợ cải thiện tình hình tài chính cho EVN.

Trước câu hỏi về quy định hoàn thuế giá trị gia tăng chưa hợp lý, việc hoàn thuế chậm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hoàn thuế giá trị gia tăng chia 2 trường hợp: hoàn thuế trước, kiểm tra sau và kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Trong cả 2 trường hợp đều có quy định về ngày hoàn thành. Trong năm 2022, cơ quan thuế trên cả nước đã hoàn thuế hơn 150 nghìn tỷ đồng, với hơn 20 nghìn 770 quyết định hoàn thuế. Trong 7 tháng đầu năm nay, cơ quan thuế cả nước đã hoàn cho các doanh nghiệp là 70 nghìn 356 tỷ đồng, với 9800 quyết định hoàn thuế. Có gần 80% doanh nghiệp hoàn thuế trước, kiểm tra sau.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, việc xác định trách nhiệm chậm hoàn thuế thuộc cơ quan thuế hay doanh nghiệp, người dân, cần xem xét từng trường hợp cụ thể để rõ trách nhiệm từng bên. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần xem xét, rà soát quy định pháp luật, quy trình cách thức triển khai công tác hoàn thuế để có sự cải tiến, rút ngắn quy trình, đảm bảo hoàn thuế nhanh, chính xác và phòng ngừa rủi do, chống gian lận.


Ý kiến của bạn