Hong Kong bắt 6 người liên quan đường dây buôn người ở Campuchia và Đông Nam Á
Hôm 22/8, cảnh sát Hong Kong (Trung Quốc) bắt giữ nghi phạm thứ sáu liên quan đến các vụ lừa đảo việc làm, trong đó ít nhất 37 người bị dụ dỗ đến Đông Nam Á.
Hôm 22/8, một người đàn ông 29 tuổi đã bị bắt giữ vì tình nghi âm mưu lừa đảo việc làm tại Hong Kong, Trung Quốc. Trước đó, hôm 21/8, 5 người khác bị cáo buộc tham gia vào vụ lừa đảo này cũng đã bị cảnh sát Hong Kong bắt.
Theo SCMP, một trong những nghi phạm, Ma Che-hou, 30 tuổi, tạm thời bị cáo buộc âm mưu lừa đảo và bị đưa ra Tòa án Đông Hong Kong vào sáng 22/8. Ma sống ở Ma On Shan, Hong Kong, bị cáo buộc lừa đảo nạn nhân Ng Sik-ming bằng cách nói rằng Ng sẽ nhận được 1.000.000 bath Thái (khoảng 27.710 USD) khi đến Thái Lan, nhưng sau đó giam anh ta ở Myanmar. Ma cũng bị cáo buộc lừa một phụ nữ tên Ng Pui-lam 35.530 HKD (4.528 USD).
Quan chức an ninh Hong Kong Michael Cheuk Hau-yip cho biết vào lúc 8 giờ sáng 22/8, các nhà chức trách đã nhận được thêm một yêu cầu trợ giúp liên quan đến một người Hong Kong khác đã trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo như vậy, tổng cộng họ đã nhận được 37 báo cáo gần đây.
Trong số 37 nạn nhân, 14 người vẫn mắc kẹt ở Campuchia, 9 người khác ở Myanmar. Ngoài ra 14 người được xác nhận là an toàn, trong đó 11 người đã trở về Hong Kong.
Ông Cheuk nói thêm rằng những người vẫn còn mắc kẹt khác "không bị đe dọa lớn vào lúc này".
Theo cảnh sát Hong Kong, những kẻ lừa đảo việc làm này đã đăng quảng cáo tuyển dụng trên mạng xã hội cho các vị trí trong lĩnh vực game, bất động sản hoặc đơn giản là mở tài khoản ngân hàng, hứa hẹn mức lương cao và yêu cầu các tiêu chí tuyển đầu vào thấp. Sau khi bị dụ đến các nước Đông Nam Á, hộ chiếu của nạn nhân sẽ bị giữ và họ sẽ bị đưa đến “trung tâm lừa đảo”, nơi bất kỳ ai từ chối hợp tác hoặc trả tiền chuộc sẽ phải đối mặt với sự đối xử vô nhân đạo.
Ông Cheuk nói, cơ quan di trú đang phối hợp với cơ quan ngoại giao cũng như các cơ quan địa phương, sử dụng tất cả các phương pháp có thể để tiến hành hòa giải và giải cứu nạn nhân. Về việc thu xếp việc trao trả nạn nhân, họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đại sứ quán Trung Quốc sở tại và Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hong Kong trong khu vực.
Hong Kong trước đó cho biết sẽ làm việc với bộ Ngoại giao Trung Quốc và Interpol để đưa công dân là nạn nhân của các vụ buôn người trở về nhà. Quan chức An ninh Chris Tang Ping-keung cam kết tiếp cận theo hướng "trước nhất là giải cứu" và "các vấn đề khác có thể được thu xếp thêm".
Nạn nhân "không dám bỏ trốn"
Ông Gary Chan Hak-Kan thuộc hội đồng lập pháp Hong Kong hôm 22/8 cho biết nhóm của ông đã nhận được yêu cầu giúp đỡ vào tuần trước, từ một nạn nhân đi đến Thái Lan do được quảng cáo việc làm và sau đó bị cho đến Myanmar. Người này bị yêu cầu tiền chuộc khoảng 80.000 HKD (khoảng 10.000 USD) và bị giam trong một tháng, chỉ được cho ăn sau khi đạt chỉ tiêu công việc hàng ngày. Gia đình người này cũng chỉ có thể liên lạc với người thân trong ba phút mỗi ngày dưới sự giám sát của một người nói tiếng Trung Quốc, trong khi nạn nhân không được phép đề cập đến công việc hoặc yêu cầu giải cứu. Ông Chan cho biết nạn nhân không ổn định về mặt cảm xúc và có thể đã bị lạm dụng.
Theo tin nhắn được chia sẻ với nghị sĩ Hong Kong Elizabeth Quat, một số người Hong Kong bị giam giữ cho biết họ không dám trốn vì bị những người trang bị súng máy và thiết bị kích điện canh bên ngoài.
Một nạn nhân nói rằng anh ta không mấy lạc quan về việc trở về nhà, trong khi một người khác nói sợ bị tra tấn khi thấy những người bị giam giữ khác đã biến mất như thế nào sau khi cố gắng kêu gọi sự giúp đỡ.
“Hai ngày trước, một người bị phát hiện đã liên lạc với cảnh sát nhờ giúp đỡ. Người này bị đưa đi tra hỏi vào đầu giờ chiều và biến mất vào chiều muộn”, nạn nhân cho biết trong một tin nhắn. “Sắp đến lượt tôi rồi. Tôi thực sự sợ hãi”.
Nghị sĩ Quat cũng đang liên lạc với ít nhất một gia đình nạn nhân tìm kiếm sự trợ giúp. Nạn nhân này được cho là khoảng 20 tuổi, đã đến Thái Lan vào đầu tháng 6 để làm việc. Trong hai tháng qua, gia đình anh ta nhận được tin nhắn anh nói đang bị giam giữ và đã bị bán sau khi anh đến Thái Lan. Người đàn ông hiện đang bị giam giữ ở Myanmar, cho biết anh ta bị buộc phải tham gia vào các chiêu trò lừa đảo qua điện thoại và trực tuyến, ngoài ra còn bị đánh.
Bà Quat cho biết trước đây đã xử lý nhiều vụ lừa đảo việc làm, nhưng vụ này đặc biệt nghiêm trọng. Bà nói: “Lần này, các nạn nhân đang phải đối mặt với tổn hại về tinh thần và thể chất, mất quyền tự do cá nhân và tính mạng của họ có thể bị đe dọa".
Tin nổi bật
Tin Video