Tin tức

Hơn một năm vẫn 'tắc' nguyên nhân sự cố rơi gối cao su dầm cầu Metro số 1

Sự cố rơi gối cao su dầm cầu cạn Metro số 1 đã xảy ra hơn một năm. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng nguyên nhân sự cố vì phải chờ kết quả thí nghiệm.

16/11/2021 09:03

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) vừa báo cáo UBND TP.HCM về vụ gối cầu bị rơi, xê dịch khỏi đá kê gối tại gói thầu CP2, dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) do Liên danh Sumitomo - Cienco 6 (SCC) làm tổng thầu.

Hơn một năm vẫn 'tắc' nguyên nhân sự cố rơi gối cao su dầm cầu Metro số 1 - Ảnh 1.

Hiện trạng bề mặt đường ray tại vị trí rơi gối cao su - trụ P14-10 thuộc phân đoạn cầu cạn VD14 - được phát hiện vào tháng 10/2020 không rõ nguyên nhân (đã lắp dầm vào năm 2016)

Sự cố gối rơi gối cao su dầm cầu cạn tuyến Metro số 1 xảy ra vào cuối tháng 10 năm trước, tức đến nay đã hơn một năm. Qua công tác kiểm tra, giám sát sau đó, các bên liên quan còn phát hiện 5 trụ khác có gối cao su bị xê dịch. Như vậy, có 6/900 trụ cầu toàn tuyến xảy ra sự cố gối cao su.

Theo chủ đầu tư, căn cứ vào kết quả quan trắc, báo cáo của Liên danh SCC, nhà thầu Hitachi (gói thầu CP3), báo cáo sơ bộ của tư vấn độc lập bên thứ ba (của Liên danh SCC), nguyên nhân sự cố được xem xét trên 5 phương diện.

Cụ thể, phương diện: kỹ thuật của giao diện giữa gói thầu CP2 (trên cao) và gói thầu số CP3 (mua sắm thiết bị đầu máy toa xe, đường ray, bảo dưỡng); thiết kế; vật liệu; thi công và tác động của đường ray.

Từ đó, chủ đầu tư kết luận sơ bộ sự cố rơi, xê dịch gối cao su xoay quanh 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, giãn nở do chênh lệch nhiệt độ giữa các cấu kiện (dầm, ray). Thứ hai, sai số trong thi công dẫn đến ma sát không đảm bảo mặt tiếp xúc (giữa gối cầu và bệ trụ). Thứ ba, chất lượng gối cầu.

Hơn một năm vẫn 'tắc' nguyên nhân sự cố rơi gối cao su dầm cầu Metro số 1 - Ảnh 2.

Hơn một năm rơi, xê dịch gối cao su dầm cầu cạn metro nhưng chủ đầu tư, tư vấn chung dự án vẫn chưa có kết luận cuối cùng

"Do đó, cần phải tiến hành thêm công tác quan trắc, thí nghiệm chất lượng gối để đưa ra kết luận cuối cùng" - công văn của chủ đầu tư nêu rõ.

Sau khi có kết quả cuối cùng về các công tác thí nghiệm còn lại, tư vấn độc lập bên thứ 3 sẽ có đánh giá về các nguyên nhân của sự việc rơi, chuyển vị gối cầu cao su (dự kiến 15/12).

Trên cơ sở đó, chủ đầu tư và tư vấn chung NJPT sẽ đưa ra đánh giá, kết luận cuối cùng và có báo cáo cụ thể hơn về nguyên nhân sự việc để đề xuất UBND TP.HCM hướng xử lý.

Dự án Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn đầu tư hơn 47.300 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2012. Dự án có tổng chiều dài 19,7km (gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1km đi trên cao) với 14 nhà ga, trong đó có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.

Đến nay, lũy kế khối lượng tổng thể toàn dự án đạt khoảng 88%. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TP.HCM, dịch Covid-19 diễn biến khó lường đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

Ngoài ra, vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương cho dự án "nhỏ giọt", khiến dự án gặp khó khăn.

Cụ thể, lũy kế giải ngân vốn ODA cấp phát đến nay là 10.341 tỷ đồng, giá trị vốn còn lại chưa giải ngân là 3.991,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án chỉ là 1.704,6 tỷ đồng (đạt 43% nhu cầu).

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) không thể sang Việt Nam đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thảo luận, đàm phán về thỏa thuận vay số 4 của dự án. Trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo UBND TP.HCM phối hợp cùng Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, thực hiện các thủ tục để xúc tiến thỏa thuận vay này.

UBND TP.HCM đánh giá việc hoàn thành thi công dự án trong năm 2021, đưa vào vận hành khai thác đầu năm 2022 khó có thể khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Trước đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cùng các nhà thầu đã tính toán, đánh giá sơ bộ: dự kiến thời gian hoàn thành thi công tuyến Metro số 1 vào khoảng cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Ý kiến của bạn