Hơn 50.000 người lao động ở TP.HCM bị giảm, mất thu nhập
(VOVTV) - Theo thống kê mới nhất, trên địa bàn TP.HCM có 155 doanh nghiệp giảm giờ làm, không tăng ca, cho công nhân nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, kéo theo 50.157 người lao động bị ảnh hưởng.
Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, một số công ty chấm dứt hợp đồng với hàng trăm, ngàn công nhân như: Công ty TNHH Tỷ Hùng ở quận Bình Tân, giải quyết cho chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 1.200 công nhân; Công ty Sun Kyoung Việt Nam (Quận 12) chấm dứt hợp đồng với 826 công nhân; Công ty Ta shuan (Khu công nghiệp Tân Tạo – Bình Tân) chấm dứt hợp đồng với 169 công nhân, hiện còn nợ bảo hiểm xã hội 6,9 tỷ đồng với 82 công nhân.
Riêng Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) do đơn hàng bị ảnh hưởng nên đã lên kế hoạch cho 20.000 công nhân ở một số khu xưởng nghỉ luân phiên 14 ngày, bắt đầu từ ngày 1/12/2022 đến 28/2/2023. Trong thời gian nghỉ việc, công nhân sẽ được hưởng lương 180.000 đồng/ngày.
Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế rất nhiều. Cụ thể, số đơn vị nợ từ 1 tháng trở lên là 48.699 đơn vị, chiếm đến 47,47%. Việc này ảnh hưởng đến người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động sẽ không chốt sổ bảo hiểm xã hội được cho người lao động....Do đó, tình hình quan hệ lao động từ nay cho đến hết quý I/2023 tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Cũng theo Liên đoàn Lao động TP.HCM, tính đến 15/11, trên địa bàn xảy ra 13 vụ lao động ngừng việc tập thể với 5.966 người tham gia, tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Chiếm đa số vụ là ở ngành dệt may, giày da (với 8 vụ), còn các ngành nghề khác là 5 vụ.
Nguyên nhân trực tiếp của các vụ ngừng việc tập thể là do quyền và lợi ích của người lao động chưa được đảm bảo như: thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 chưa công khai kịp thời; thanh toán tiền lương còn nợ không đúng thời gian quy định, không thực hiện đúng thỏa ước lao động tập thể về lương thưởng cuối năm, chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động không chấp hành đúng, đầy đủ các chính sách pháp luật cho người lao động; có sự so bì giữa lao động của khu vực này với khu vực kia trong cùng 1 doanh nghiệp...
Tin nổi bật
Tin Video