Hơn 20.000 người đã tiêm vaccine Covid-19: Nhiều trường hợp phản vệ được xử trí kịp thời
(VOVTV) - Đến sáng 17/3, đã có hơn 20.000 nhân viên y tế và thành viên tổ truy vết cộng đồng của 13 tỉnh thành phố được tiêm vaccine Covid-19. Riêng ngày hôm qua (16/3) có 4260 người được tiêm chủng, trong đó vẫn ghi nhận những trường hợp phản vệ độ 1 và 2 được cấp cứu kịp thời.
Cùng với nhiều cơ sở y tế khác ở 30 quận, huyện của Hà Nội, Bệnh viện Gia Lâm đã tiến hành tiêm vaccine Covid-19 đợt 1 cho những nhân viên y tế làm việc tại những vị trí nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19. Ngày 16/3, trong số 24 người đủ điều kiện tiêm chủng có 3 nhân viên y tế bị phản vệ độ 1 và độ 2 sau khi tiêm vaccine. Trước đó, bệnh viện đã sẵn sàng kíp cấp cứu chống sốc phản vệ nên đã xử trí kịp thời đối với 3 trường hợp này, đến nay cả 3 đã ổn định sức khỏe.
Bác sĩ Vũ Quang Hiển, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Gia Lâm chia sẻ:"Trong số 24 người được tiêm vaccine Covid-19, 21 người sức khỏe bình thường sau khi tiêm, 3 người còn lại phản vệ mức độ 1 bị ngứa, 2 người còn lại có biểu hiện khó thở hoặc nổi mẩn trên da được tiêm Adrenaline, cấp cứu chống sốc kịp thời nên đã ổn định sức khỏe".
Hà Nội trong đợt 1 này được cấp hơn 8.000 liều vaccine Covid-19 để tiêm cho nhóm người ưu tiên. Qua hơn 1 tuần triển khai tiêm chủng, bên cạnh nhiều người có phản ứng thông thường sau khi tiêm, cũng ghi nhận những trường hợp phản vệ nặng phải cấp cứu thở oxy, tiêm thuốc Adrenaline để chống sốc phản vệ.
Tại các tỉnh thành khác cũng ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm với các dấu hiệu như: Sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, phát ban, đau cơ, buồn nôn, tiêu chảy... Những người xuất hiện dấu hiệu nặng hơn như mẩn ngứa lan rộng, mạch nhanh, huyết áp tăng hoặc giảm, tức ngực khó thở, chân tay lạnh... và có diễn biến nặng lên đã được xử trí kịp thời.
Bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, khám sàng lọc kỹ càng và đáp ứng xử trí kịp thời những trường hợp bị phản ứng nặng góp phần quan trọng hạn chế đến mức thấp nhất sự cố sau tiêm chủng: "Chúng tôi đã tập huấn kỹ càng trước khi tiến hành tiêm chủng. Mỗi điểm tiêm chủng đều được trang bị hộp chống sốc trong đó có đầy đủ thuốc, thiết bị để cấp cứu kịp thời nếu có trường hợp sốc phản vệ. Ngoài ra các sở y tế còn bố trí những đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ tuyến dưới…"
Trước thông tin về việc một số quốc gia tạm dừng tiêm vaccine Covid-19 của Astrazeneca sau khi xảy ra những phản ứng nghiêm trọng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới những sự cố xảy ra sau tiêm chủng không có sự liên quan đến vaccine Astrazeneca nên Bộ Y tế vẫn tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vaccine này.
Tin nổi bật
Tin Video