Hơn 17.000 ha rừng bị thiêu rụi, 32.000 người Pháp phải di tản vì nắng nóng
(VOVTV) - Nước Pháp ngày 18/7 trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm khi nhiệt độ nhiều nơi vượt quá 40 độ C, đồng thời các đám cháy rừng ở miền Tây Nam tiếp tục lan rộng, thiêu cháy hơn 17.000 ha rừng và buộc 32.000 người phải đi sơ tán khẩn cấp.
Theo thông tin từ Cơ quan khí tượng quốc gia Pháp, trong ngày 18/07, mức nhiệt độ trên 40 độ C đã được ghi nhận tại nhiều địa phương trải dọc bờ biển phía Tây giáp Đại Tây Dương của Pháp, kéo dài từ Tây Bắc xuống Tây Nam, như 42 độ C ở thành phố Nantes hay 42,6 độ C ở Biscarrosse.
Mức nhiệt độ xấp xỉ 40 độ C cũng được ghi nhận ở hàng chục thành phố khác trong vùng Bretagne cũng như ngay tại thủ đô Paris. Rất nhiều nơi đã phá kỷ lục về mức nhiệt độ cao từ trước đến nay, đặc biệt là khu vực Tây Bắc vốn nổi tiếng mát mẻ của Pháp.
Trong ngày hôm nay (19/7), nắng nóng đỉnh điểm sẽ tiếp tục hoành hành tại Pháp nhưng chuyển dịch dần sang các tỉnh phía Đông. Riêng tại thủ đô Paris, nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 41 độ C.
Nắng nóng gay gắt khiến cho tình hình cháy rừng tại Pháp càng thêm nghiêm trọng. Tại tỉnh Gironde ở Tây Nam, các đám cháy lan rộng đã thiêu rụi trên 17.000 ha rừng thông, đồng thời khiến thêm 16.000 người dân và du khách phải di tản. Tổng cộng, kể từ ngày 12/7, đã có trên 32.000 người phải bỏ nhà cửa cũng như các khu cắm trại hè để lánh nạn, đã có ít nhất 5 trại hè bị hỏa hoạn thiêu cháy. Nhà chức trách Pháp đã huy động trên 1.700 lính cứu hỏa từ khắp các địa phương trên cả nước cùng hầu như toàn bộ số lượng máy bay chữa cháy để dập lửa nhưng vẫn chưa thể khống chế các đám cháy do nhiệt độ cao và gió mạnh lên tới 80km/h khiến ngọn lửa gần như không thể khống chế.
Tình hình cháy rừng nghiêm trọng tại Pháp và trước đó tại Bồ Đào Nha đang báo động nhiều nước khác tại châu Âu, khi các đợt nắng nóng trong hè được cho là sẽ còn tiếp diễn nhiều trong tháng 8, tháng vốn có nhiệt độ cao nhất trong năm. Theo Uỷ viên châu Âu phụ trách khủng hoảng, Janez Lenarcic, tình hình hiện nay rất đáng ngại với châu Âu.
"Năm ngoái châu Âu đã trải qua một mùa hè tệ hại khi phải 9 lần kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự của khối để phòng chống các vụ cháy rừng. Mùa hè năm nay châu Âu cũng đã 5 lần phải kích hoạt cơ chế này dù cao điểm mùa hè vẫn còn đang ở phía trước" ông Janez Lenarcic cho biết.
Tin nổi bật
Tin Video