Từ 1/1, áp dụng các chính sách mới tới hàng chục triệu lao động
Tính từ 0h ngày 1/1/2021, nhiều chính sách lớn về việc làm, tiền lương, thời gian nghỉ ngơi, thông tuyến tỉnh khám nội trú BHYT… có hiệu lực, tác động tới hàng chục triệu người dân trong xã hội.
Tính từ 0h ngày 1/1/2021, nhiều chính sách lớn về việc làm, tiền lương, thời gian nghỉ ngơi, thông tuyến tỉnh khám nội trú BHYT… bắt đầu có hiệu lực, tác động tới hàng chục triệu người dân trong xã hội.
Tăng tuổi nghỉ hưu
Một trong những thay đổi lớn nhất của Bộ Luật Lao động 2019 là điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đó, từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ sẽ được thay đổi.
Cụ thể, trong năm 2021, với điều kiện lao động bình thường, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng và của lao động nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng.
Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ cho tới khi lao động nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi (năm 2028) và lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi (năm 2035).
Theo Khoản 3, Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế, người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng được quy định như khi đi khám đúng tuyến, tỷ lệ là 100% chi phí điều trị nội trú.
Trước đó, người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh được chi trả theo tỷ lệ là 60% của 80% chi phí điều trị nội trú (tức là khoảng 48% chi phí điều trị nội trú).
Thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, tới cuối tháng 12/2020, cả nước có 88 triệu người tham gia BHYT, chiếm 90,85% dân số.
Thay đổi mức hưởng lương hưu
Theo Điều 56, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, trường hợp lao động nam bắt đầu nghỉ hưu trong năm 2021 và đóng đủ 19 năm BHXH thì được hưởng mức lương hưu bằng 45%. Trong trường hợp lao động nam nghỉ hưu từ ngày 1/1/2022 và đóng đủ 20 năm BHXH, mức hưởng sẽ là 45%.
Tiếp sau đó, mỗi năm tăng thêm, người lao động được tính thêm 2% cho tới khi tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng tối đa bằng 75%.
Với lao động nữ: Đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45%; sau đó cứ thêm 1 năm đóng BHXH sẽ được tính thêm 2%. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng tối đa bằng 75%.
Bổ sung 1 ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9
Từ ngày 1/1/2021, Bộ Luật Lao động 2019 quy định thêm 1 ngày nghỉ lễ liền kề trước hoặc sau ngày Quốc khánh 2/9, tùy điều kiện thực tế và do Chính phủ quy định. Trong ngày này, người lao động dù được nghỉ làm việc những vẫn hưởng nguyên lương.
Cụ thể trong năm 2021, trên cơ sở đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ đã quyết định ngày nghỉ liền kề trong dịp Quốc khánh 2/9 là ngày 3/9/2021. Trường hợp, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi làm vào ngày lễ thì tiền lương ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Chỉ còn 2 loại hợp đồng lao động
Theo Bộ Luật Lao động 2019, từ 1/1/2021, hợp đồng lao động sẽ gồm có 2 loại: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động có thời hạn không quá 36 tháng.
Cụ thể, hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Như vậy, loại hình hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng sẽ không còn từ ngày 1/1/2021.
Đa dạng hình thức trả - nhận lương của người lao động
Về hình thức trả lương, Điều 96 Bộ luật Lao động 2019 đã quy định thêm một số điểm mới: Người lao động và người sử dụng lao sẽ thỏa thuận về hình thức trả lương. Trước đó, người sử dụng lao động có quyền quyết định hình thức trả lương. Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
Ngoài ra, người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương. Luật cũng bổ sung nguyên tắc công khai trả lương cho người lao động. Theo đó, mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, nội dung và tiền bị khấu trừ (nếu có).
Mở rộng đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật Lao động
Theo Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019, khái niệm về hợp đồng lao động đã sửa đổi cụ thể như sau: "Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động".
Với quy định này, Bộ luật Lao động 2019 đã tăng diện điều chỉnh tới các thỏa thuận khác, dù với tên gọi khác nhau nhưng có các nội dung việc làm có trả công, tiền lương, quản lý, điều hành, giám sát của một bên đều được coi là hợp đồng lao động…
Đồng thời, Luật cũng quy định, trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.