Hội nghị Paris: Kêu gọi bảo vệ đa dạng sinh học, cam kết trên 14 tỷ USD cho Bức tường Xanh
(VOVTV) - Ngày 11/1, hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học đã diễn ra ở Paris (Pháp). Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chủ trì hội nghị với sự tham dự của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde, cùng nhiều nhà lãnh đạo khác.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã kêu gọi hành động để bảo vệ tốt hơn đa dạng sinh học trên trái đất. Ông Cristián Samper - Giám đốc điều hành Hiệp hội bảo tồn các loài hoang dã nhấn mạnh: "Con người đã sống trên hành tinh này trong hơn 200 nghìn năm và chúng ta chia sẻ hành tinh cùng với 10 triệu loài. Nhưng thực tế là không một loài sinh vật nào có tác động lên trái đất nhiều như con người. Trên thực tế, khoa học đã chứng minh, chỉ có 23% bề mặt trái đất ngày nay vẫn ở dạng tự nhiên. Sự thay đổi nhanh chóng này đe dọa không chỉ sự sống trên trái đất mà cả sự tồn tại của chính chúng ta như 1 loài sinh vật. Theo báo cáo năm 2019, hơn 1 triệu loài đang có nguy cơ tuyệt chủng".
Giám đốc điều hành Hiệp hội bảo tồn các loài hoang dã khẳng định giải pháp then chốt chính là lập ra các khu bảo tồn và đây sẽ là chìa khoá để đạt các mục tiêu phát triển của LHQ. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres dẫn báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho biết nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học đang đối mặt với tình trạng thiếu tài chính 711 tỷ đôla mỗi năm từ nay cho đến năm 2030.
Hội nghị chỉ rõ, tình trạng sa mạc hóa ở vùng ven sa mạc Sahara là nguyên nhân đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói và thúc đẩy di cư.
Các Ngân hàng phát triển và các nước đã cam kết đóng góp tổng cộng 14 tỷ 320 triệu đôla trong vòng 4 năm tới để xây dựng "Bức tường Xanh lớn" nhằm ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa ở miền bắc vùng Sahel châu Phi.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Manpass cho biết: "Tôi vui mừng thông báo từ nay đến năm 2025, Ngân hàng thế giới sẽ đầu tư hơn 5 tỷ đôla, để cải thiện sinh kế và khôi phục tình trạng suy thoái ở vùng Sahel như ở Cộng hòa Chad và vùng Sừng châu Phi. Sự đầu tư này diễn ra vào thời điểm quan trọng, nó sẽ giúp cải thiện sinh kế khi các nước cùng lúc đang cố gắng phục hồi từ đại dịch cũng như phải ứng phó với tác động của sự mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu đối với con người và kinh tế".
Dự án sẽ giúp phục hồi dải đất dài 8 nghìn km từ Đại Tây Dương tới Biển Đỏ và tại đây, cây xanh, thảm thực vật được trồng, cùng các dự án tạo hệ sinh thái bền vững.
Tin nổi bật
Tin Video