Đời sống

Hội chứng tăng thông khí và rối loạn hoảng sợ

(VOVTV) - Rối loạn hoảng sợ và tăng thông khí là những hội chứng hay gặp khiến con người bị rơi vào trạng thái lo âu, mất cân bằng trong việc hít thở, tạo nên tâm lý lo lắng cho người bệnh.

Tác giả PV / VOVTV
05/03/2021 10:21

Tăng thông khí

Bình thường nhịp tim và nhịp thở luôn có sự cân bằng hài hòa để giúp cơ thể duy trì được sự hằng định nội mô về nồng độ Co2, O2 và pH máu.

Nhịp tim đập đều đặn được là nhờ sự điều khiển của hệ thần kinh tự chủ của tim và hệ thần kinh thực vật (giao cảm và đối giao cảm). Nếu trương lực của hệ giao cảm và đối giao cảm không cân bằng, sẽ gây ra những rối loạn nhịp tim tức thời (tim đập nhanh, hồi hộp, trống ngực, bủn rủn tay chân, mệt) nhưng thực tế không có tổn thương tại tim.

Tình trạng này thường gặp ở người bệnh bị stress, căng thẳng kéo dài. Trong thực tế hàng ngày ta hay gặp hai hình thức tăng thông khí sau: Tăng thông khí mạn tính và tăng thông khí đột ngột.

Tăng thông khí mạn tính biểu hiện kín đáo bằng việc thở nhanh nên thường khó được nhận biết (một dấu hiệu chỉ điểm trong một số rối loạn chuyển hóa gây mất cân bằng toan kiềm). Tăng thông khí đột ngột với những triệu chứng rầm rộ khiến người bệnh phải đến phòng cấp cứu: Đầy hơi, ợ hơi, cảm giác nặng bụng, yếu đuối, ngất xỉu, chóng mặt, nhầm lẫn, lo lắng, ảo giác, khó thở, tê và ngứa ran (thường ở cánh tay hoặc xung quanh miệng), co thắt hoặc bị chuột rút ở tay và chân, có giật cơ.

Hội chứng tăng thông khí và rối loạn hoảng sợ - Ảnh 1.

Hình minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Rối loạn hoảng sợ

Rối loạn hoảng sợ là bệnh thuộc nhóm rối loạn lo âu, đặc trưng bởi các cơn hoảng sợ kịch phát, xuất hiện đột ngột và mạnh mẽ.

Những bệnh nhân tăng thông khí đột ngột rất hay gặp trên nền bệnh nhân rối loạn hoảng sợ với các triệu chứng theo tiêu chuẩn của DSM IV (triệu chứng xuất hiện và phát triển nhanh chóng trong khoảng 10 phút) .

Các biểu hiện của chứng bệnh rối loạn hoảng sợ: Mạch nhanh, đánh trống ngực, ra nhiều mồ hôi, run tay, run chân, cảm giác nghẹt thở, cảm giác thở nông, đau hoặc khó chịu ở ngực, buồn nôn hoặc đau bụng, cảm giác chóng mặt, mất thăng bằng, giải thể thực tế hoặc giải thể nhân cách, sợ mất kiểm soát và phát điên, sợ chết, cảm giác chết lặng, lạnh cóng hoặc nóng bừng.

Bs. Lương Hoài Linh

Ý kiến của bạn