Tin tức

Hội An hướng tới "Thành phố sáng tạo toàn cầu"

(VOVTV) - Việc tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ mở ra cho Hội An những triển vọng và cơ hội mới, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo điều kiện cho quá trình sáng tạo, sản xuất và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, hoạt động văn hóa, du lịch.

Tác giả Long Phi/VOV Miền Trung
22/09/2023 17:39

Làng gốm Thanh Hà, thành phố Hội An hiện còn 2 cơ sở chuyên sản xuất gốm dân dụng như bùng binh, lọ, nồi, om đất… Hơn 500 năm qua, người dân làng gốm Thanh Hà vẫn miệt mài sáng tạo nên những sản phẩm gốm cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày của địa phương và khắp nơi trong và ngoài nước. Đàn ông thì làm đất, tạo hoa văn, phụ nữ thì chuốt gốm, làm phôi… Cứ thế đời này qua đời khác, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau, tạo nên sức sống cho làng gốm thủ công nức tiếng bên sông Thu Bồn.

Hội An hướng tới "Thành phố sáng tạo toàn cầu" - Ảnh 1.

Nghề gốm truyền thống được người dân Hội An bảo tồn và phát triển.

Bà Nguyễn Thị Quốc Hưng, năm nay đã ngoài 60 tuổi gắn bó với nghề gốm từ khi còn nhỏ. Ngồi trên chiếc ghế thấp, bà Nguyễn Thị Quốc Hưng tỳ hai tay vào khoanh đất trên chiếc bàn xoay đang chuyển động. Cuộn đất sét dần cao lên, chừng 5 phút thì chiếc nồi đất thành hình, mượt mà, cân đối. Bà Hưng cẩn thận bê chiếc nồi, đặt nhẹ trên tấm ván gỗ chờ mang ra phơi. Chỉ ít ngày nữa những chiếc nồi đất này sẽ được nung thành phẩm và mang đi tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thị Quốc Hưng bảo rằng: “Nghề gốm truyền thống này thật sự đang mai một dần. Thế hệ trẻ là lớp kế tục nhưng ở thời buổi công nghệ thông tin phát triển nên đa số đều muốn chạy theo các ngành nghề khác. Cho nên, lớp lớn tuổi chúng tôi mong muốn gìn giữ bằng được nghề truyền thống này.”

Cư dân Hội An còn gìn giữ hơn 100 nghề thủ công truyền thống nổi danh từ thế kỷ 17 khi Hội An được xem là thương cảng quốc tế sầm uất đưa các sản phẩm dệt lụa, nghề làm đồ da, may thêu, lồng đèn, mộc mỹ nghệ Kim Bồng… đi khắp thế giới. Đó chính là những di sản để Hội An tiếp tục kế thừa và phát huy với định hướng trở thành thành phố sáng tạo trong mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.

Hội An hướng tới "Thành phố sáng tạo toàn cầu" - Ảnh 2.

Các nghệ nhân tại thành phố Hội An trình diễn điêu khắc trên gốc tre.

Theo ông Bùi Quý Phong, nghệ nhân làm mặt nạ, đầu lân ở phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, không chỉ là sự ghi nhận đối với những nỗ lực của các nghệ nhân trong gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống mà còn là cơ hội để Hội An quảng bá sự đa dạng về văn hóa của một vùng đất giàu tiềm năng sáng tạo.

“Tôi rất phấn khởi vì được cuộc đời nhớ đến mình. Mỗi người có một tay nghề, chung tay góp vào thành phố này. Có làng gốm, lồng đèn, mặt nạ rồi dệt tơ tằm và nhiều nghề khác. Mỗi người chung tay vào để thành phố Hội An phong phú về hình thức và đậm bản chất riêng ở phần nội dung”, ông Phong nói.

Hội An hướng tới "Thành phố sáng tạo toàn cầu" - Ảnh 3.

Hô hát bài chòi tại phố cổ Hội An.

Với không gian kiến trúc, văn hóa, lịch sử độc đáo, Hội An luôn là mạch nguồn sáng tạo vô hạn cho các nghệ nhân, nghệ sĩ và chính cộng đồng cư dân phố cổ. Những sản phẩm thủ công và các loại hình nghệ thuật dân gian nơi đây mang trong mình sức sống bền bỉ và tạo sinh kế thực cho bản thân người sáng tạo và người dân bản địa. Đó cũng chính là yêu cầu và tiêu chí lớn của UNESCO đặt ra cho các thành phố ứng viên để tham gia vào mạng lưới sáng tạo toàn cầu.

Để tạo môi trường lan tỏa cảm hứng và khát vọng sáng tạo, thời gian qua thành phố Hội An tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc để các nghệ nhân phát huy sáng tạo trong làm nghề truyền thống.

Hội An hướng tới "Thành phố sáng tạo toàn cầu" - Ảnh 4.

Phố cổ Hội An về đêm nhìn từ trên cao.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, từ những không gian của làng gốm, làng mộc, làng rau truyền thống, thành phố Hội An sẽ phát triển, mở rộng quy mô để tạo nên những không gian sáng tạo, thu hút nhiều nghệ nhân trong nước và quốc tế về giao lưu, trao truyền những kinh nghiệm.

“Chúng ta phải cam kết và phải làm cho được ít nhất 3 dự án, chương trình mang tính địa phương hoặc quốc gia, đồng thời phải cam kết thực hiện 3 chương trình liên quan đến sáng tạo trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian mang tầm quốc tế. Đây là cơ hội để Hội An có thể vươn mình và hội nhập với thế giới mạnh mẽ hơn nữa,” ông Nguyễn Văn Lanh cho biết thêm.

Năm 1999, Đô thị cổ Hội An được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Trong 24 năm qua, Chính quyền và người dân phố Hội luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản để xây dựng thương hiệu của thành phố văn hoá, du lịch và sinh thái.

Hội An hướng tới "Thành phố sáng tạo toàn cầu" - Ảnh 5.

Thành phố Hội An có nhiều làng nghề truyền thống làm mặt nạ, đầu lân, đèn lồng.

Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã hoàn thiện và gửi hồ sơ để được bình xét trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian. Nếu được xét duyệt thì sau thủ đô Hà Nội, thành phố Hội An sẽ là địa phương tiếp theo của Việt Nam vinh dự nằm trong mạng lưới này.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, việc gia nhập vào mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu giúp thành phố Hội An xây dựng chiến lược căn cơ để kế thừa hiệu quả những sáng tạo của tiền nhân và tiếp tục sáng tạo hướng tới sự phát triển bền vững gắn với phát huy tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

“Đây là cơ hội để thành phố Hội An mở ra hướng hợp tác với các đô thị di sản và các thành phố sáng tạo trên thế giới. Tiếp cận được những cái hay, cái đẹp và thành công của các thành phố trên thế giới. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh một Đô thị cổ Hội An luôn đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, vẫn giữ được 2 nội dung quan trọng mà cộng đồng quốc tế và UNESCO luôn luôn đánh giá cao đó là bảo tồn và phát triển” - ông Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn