Học phí tăng, các trường hỗ trợ sinh viên ra sao?
(VOVTV) - Áp dụng Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí, hiện nay, nhiều trường đại học có kế hoạch tăng học phí từ năm học 2022-2023. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Sinh viên dự định đi làm thêm để trang trải học phí
Trước việc các trường đại học đang lên kế hoạch tăng học phí, Minh Thư, sinh năm thứ 3 khoa Quản trị của trường Đại học Công nghiệp TP.HCM chia sẻ, việc học phí tăng sẽ gây ra áp lực lên kinh tế của gia đình. Gia đình Thư chỉ có thể hỗ trợ 1 khoản nhất định nên nếu tăng học phí thời gian này, Thư dự định đi làm thêm để có thể hỗ trợ được phần nào cùng bố mẹ.
“Chắc chắn là có khó khăn, bình thường ở nhà em xin ba mẹ một khoản một năm mấy chục triệu, nhưng nếu tăng lên sẽ áp lực hơn, chắc là em sẽ đi làm để bù vào khoản đó vì ban đầu đã xin ba mẹ một khoản nhất định rồi”- Minh Thư nói.
Ông Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, từ năm 2022, nhà trường bắt đầu áp dụng mức học phí mới theo cơ chế tự chủ, mỗi ngành học sẽ dao động từ 16-24 triệu đồng/năm với các hệ đào tạo đại trà. Trường cũng đã có hỗ trợ học phí cho một số ngành học thuộc khoa học lĩnh vực cơ bản.
Hiện nhà trường đang đàm phán với một số đối tác thiết kế chương trình cho sinh viên vay vốn không lãi suất trong 4 năm học. Đồng thời, nhà trường làm việc với nhiều doanh nghiệp để có học bổng miễn phí cho sinh viên hoặc các quỹ học bổng quốc tế để hỗ trợ phần nào những khó khăn về tài chính.
Đại học Quốc gia TP.HCM cũng có quỹ phát triển cho sinh viên khó khăn vay ưu đãi học tập với lãi suất 0%. Nhà trường cũng sẽ tìm cách để tăng lượng sinh viên được tiếp cận từ nguồn này. Ngoài ra ông Nam cũng lưu ý, sinh viên cũng cần cân nhắc các chương trình học và mức vay vốn phù hợp.
Bên cạnh đó, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng thành lập Trung tâm tư vấn tuyển sinh và hỗ trợ người học để kịp thời nắm bắt những khó khăn vướng mắc, sớm đưa ra phương án hỗ trợ kịp thời.
“Một nhiệm vụ rất quan trọng là hỗ trợ các bạn sinh viên khi các bạn học tập tại trường để nâng cao các hoạt động hỗ trợ sinh viên để tìm hiểu các khó khăn về tài chính, về học tập, sinh hoạt hoặc vấn đề về tâm lý, kết nối với doanh nghiệp giúp các em có việc làm, những nơi thực tập, thực tế. Đó là một số giải pháp dài hơi”- ông Nam nói.
Theo GS.Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM, các trường công lập hướng đến tự chủ tài chính, để đảm bảo chất lượng và phát triển thì việc điều chỉnh học phí là tất yếu. Tuy nhiên, việc tăng học phí cũng là gánh nặng đối với một bộ phận sinh viên, nhất là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Để giải bài toán này, cần có nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên đến từ nhiều nguồn, từ nhà nước, các doanh nghiệp và cả cá nhân.
Song song đó, các trường cần đa dạng hóa chính sách học bổng như: học bổng toàn phần, học bổng bán phần, học bổng giảm với mức phí phù hợp cho từng nhóm sinh viên. Ông Hà cũng lấy ví dụ, ở các nước khác, hiện nay các doanh nghiệp tham gia vào chính sách hỗ trợ học bổng cho sinh viên trở thành trách nhiệm xã hội, đặc biệt cho các sinh viên năm 3, năm 4, các bạn có thể hỗ trợ và được thực tập, làm việc tại các doanh nghiệp đó sau khi ra trường.
Ngoài ra, các trường cũng cần áp dụng chính sách cho vay tín dụng cho sinh viên. Người học sẽ được vay chi phí không lãi suất hoặc lãi suất thấp, sau đó khi ra trường sẽ hoàn trả lại dần. Để làm được điều này ông Hà cho rằng cần cho các ngân hàng thương mại tham gia.
“Cần sự phối hợp giữa ngành thương mại, kết hợp với trường đại học, cơ quan nhà nước để thực hiện việc cho vay đúng mục đích và thu hồi vốn vay, giải ngân thẳng qua trường đại học để đóng học phí về tương lai phải nên phát triển ở Việt Nam, các nước phát triển họ đã phát triển chính sách tín dụng cho sinh viên rất nhiều, mới giải quyết được bài toán học phí”- GS.Nguyễn Minh Hà cho biết.
Tự chủ đại học và tăng học phí là cách để các trường có cơ hội đầu tư không chỉ về cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo mà đi kèm với đó cũng cần phải có những chính sách hỗ trợ kịp thời, tạo cơ hội cho người học được tiếp cận với giáo dục một cách bình đẳng.
Tin nổi bật
Tin Video