Học online: Dễ hay khó?
Bên cạnh những lợi ích mang lại, việc học online cũng đặt ra không ít áp lực cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Học sinh không chỉ căng thẳng về tâm lý mà còn về cả mặt sinh lý. Việc các con ngồi học nhiều giờ liền trước màn hình có thể gây ra ảnh hưởng về mặt tinh thần.
Đây là nội dung được các giáo viên và chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến “Học online: Dễ hay khó” vừa diễn ra mới đây.
Gần 2 năm kể từ khi Covid-19 xuất hiện, đời sống kinh tế xã hội bị đảo lộn, lần đầu tiên học sinh tại các tỉnh/ thành phố trên cả nước phải chuyển sang học online trong thời gian dài. Từ chỗ chỉ là giải pháp mang tính tình thế, học online đã dần trở thành hoạt động quen thuộc của giáo viên và học sinh trên cả nước.
Theo một khảo sát gần đây từ Kaspersky, 55% trẻ em trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải chuyển sang hình thức học trực tuyến vì đại dịch Covid-19. Có tới 74% trẻ không thích nghi được với việc học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình. 57% học sinh thấy bài giảng khó hiểu hơn so với việc học trên lớp.
Thực tế cũng cho thấy việc thiếu thiết bị, đường truyền yếu, phần mềm chưa phù hợp… là 3 trong số nhiều nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng học trực tuyến.
Em Nguyễn Phương Thảo, học sinh Trường THCS Thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho rằng: “Đối với em, mỗi sự khởi đầu đều ít nhiều có khó khăn và học online cũng vậy. Em có gặp một số bất tiện giống như nhiều bạn như đường truyền không ổn định, việc giảng dạy, tiếp thu cũng bị hạn chế, không tương tác được nhiều với các bạn, khó tập trung trong một thời gian dài và ảnh hưởng đến sức khỏe như mỏi mắt khi phải nhìn máy tính trong một thời gian dài. Ngoài ra, em cũng biết có những bạn không có điều kiện để có những thiết bị học trực tuyến”.
Cô Nguyễn Thị Chỉnh, Giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết, bên cạnh những trải nghiệm mới, giáo viên cũng gặp những khó khăn như đường truyền mạng không ổn định, sự tập trung của học sinh, đặc biệt là các bạn từ lớp 1 đến lớp 3 chưa quen với các thiết bị công nghệ, các cô không tương tác, tiếp xúc được nhiều với các con, hoặc có nhiều sự cố bất ngờ có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, việc kết nối với phụ huynh cũng rất khó khăn trong khi lúc này rất cần thầy cô và phụ huynh phải phối hợp để hỗ trợ các con. Trong bối cảnh đó, cô Chỉnh và các đồng nghiệp đã tự trang bị những kiến thức và kỹ năng để thích ứng với tình hình mới.
Sau thời gian dài học online, cô Nguyễn Thị Chỉnh đã rút ra được một số kinh nghiệm riêng. Trong đó, bước đầu, giáo viên cần thiết lập nội quy khi học trực tuyến. Nội quy này được thiết lập, thỏa thuận giữa học sinh và giáo viên để đem lại tác động tích cực trong việc học.
Nội quy được xây dựng dưới dạng hình ảnh và thực hiện liên tục để các con quen với việc thực hiện nội quy này. Bên cạnh đó, trong quá trình soạn giáo án, cần cân nhắc những nội dung nào đã học, những nội dung nào quan trọng và chú ý vào việc hướng dẫn cho các con đặt câu hỏi cũng như tư duy phản biện.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, trong quá trình học online, cả phụ huynh, trẻ em và giáo viên đều cảm thấy áp lực rất nhiều. Bố mẹ lo rằng con không theo được chương trình, giáo viên lo rằng mình phải truyền đạt hết tất cả các kiến thức quan trọng của bài. Học sinh không chỉ căng thẳng về tâm lý mà còn về cả mặt sinh lý.
Việc các con ngồi học nhiều giờ liền trước màn hình có thể gây ra ảnh hưởng về mặt tinh thần. Và lúc này, chính bố mẹ và giáo viên nên có những biện pháp để giải phóng những căng thẳng cho các con. Cách tương tác giữa giáo viên và học có thể giúp để khắc phục vấn đề này. Thực tế, giáo viên không cần đặt áp lực phải nói hết tất cả kiến thức trong lớp học mà có thể hướng dẫn các con tìm kiếm trên internet.
“Hiện nay, trong bối cảnh học online, giáo viên cần phải chọn công cụ phù hợp với các con để các con tập trung, cảm thấy hứng thú hơn với việc học. Bên cạnh đó, việc khen ngợi học sinh cũng là cách để các con có thêm động lực trong việc học, cũng như động lực để các con chủ động kết nối với giáo viên”, cô Chỉnh nói.
Chuyên gia tâm lý này cũng cho rằng, để việc học online nhẹ nhàng và hiệu quả hơn, cha mẹ, giáo viên nên giảm áp lực lên trẻ: “Việc rèn nề nếp cho con quan trọng hơn việc bắt ép. Chúng ta sẽ phải chấp nhận rằng mức độ tập trung và hiểu bài ở mỗi trẻ, mỗi thời điểm sẽ khác nhau. Cha mẹ đừng nên kiểm soát con, việc này sẽ khiến con có xu hướng nói dối bố mẹ.
Giáo viên cũng nên giảm áp lực lên học sinh bằng cách tạo cho con nhiều cơ hội học tập ở nhiều khía cạnh, phương pháp khác, nên phụ thuộc vào tâm lý và sức khỏe của con trẻ để trẻ có thể tiếp nhận cách tốt nhất. Đôi khi áp lực từ cha mẹ, giáo viên chuyển sang con cái, học sinh cao hơn từ anh chị em, bạn bè, nên có thể thử áp dụng phương pháp để anh chị em hoặc bạn bè học cùng nhau, hướng dẫn nhau”.
Tin nổi bật
Tin Video