Hoà Bình: Xây dựng các sản phẩm OCOP từ thế mạnh địa phương
(VOVTV) - Xác định rõ xây dựng nông thôn mới nói chung và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bảo đảm tính kế thừa, phát triển bền vững, vừa mang tính hiện đại, vừa giữ gìn đặc trưng, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, gắn với bảo tồn và phát huy các sản phẩm lợi thế, sản phẩm chủ lực, đặc sản, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2018-2020. Qua 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay tỉnh Hòa Bình có 58 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt và vượt 8 sản phẩm so với kế hoạch đề ra (14 sản phẩm OCOP 4 sao; 44 sản phẩm OCOP 3 sao), trong đó có 02/58 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch và bán hàng, chiếm 1,7 % (sản phẩm Du lịch homestay Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu và sản phẩm du lịch cộng đồng Đá Bia, xóm Đức Phong, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc được công nhận đạt 4 sao.
Ước đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 73 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, vượt 23 sản phẩm so với kế hoạch đề ra (20 sản phẩm OCOP đạt 4 sao; 53 sản phẩm OCOP 3 sao) trong đó có 4/73 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch và bán hàng, chiếm 5,4 % (thêm 2 sản phẩm: du lịch cộng đồng Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc đạt 3 sao và du lịch công đồng Hang Kia, xã Hang Kia, huyện Mai Châu đạt 4 sao).
Theo đánh giá của thế giới, loại hình du lịch cộng đồng gắn với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa hiện đang là xu thế. Hiện nay loại hình du lịch cộng đồng trong cả nước đã và đang phát triển với nhiều mô hình khác nhau. Phát triển du lịch cộng đồng biến những lợi thế đặc trưng của cộng đồng các dân tộc tạo ra sản phẩm hấp dẫn khách du lịch và góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư, bảo vệ môi trường tự nhiên, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Trong điều kiện cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM là hợp lý và cần thiết, thúc đẩy kinh tế du lịch song hành cùng phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn. Các sản phẩm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP là yếu tố quan trọng cho việc kết nối các sản phẩm OCOP toàn quốc và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đem lại sinh kế cho cộng đồng, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn, dân tộc ít người.
Tỉnh Hòa Bình hiện đang nắm giữ nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với nhiều hang động đẹp cùng các khu bảo tồn thiên nhiên rất đa dạng, phong phú về hệ sinh thái và động, thực vật… Hồ Hòa Bình có phong cảnh non nước hữu tình có tiềm năng gồm 47 hòn đảo lớn, nhỏ tạo ra một không gian như "Vịnh Hạ Long" trên núi với tạo điều kiện thuận lợi để du lịch Hòa Bình phát triển; địa hình đồi núi đá vôi trùng điệp đã tạo nên nhiều hang động đẹp như: Quần thể hang động Núi đầu Rồng, huyện Cao Phong; Quần thể hang động Chùa Tiên, huyện Lạc Thủy; động Ngòi Hoa, Nam Sơn huyện Tân Lạc; động Trung Sơn, huyện Lương Sơn… Các khu rừng nhiệt đới nguyên sinh như: Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh, huyện Đà Bắc; Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông huyện Tân Lạc và Lạc Sơn; Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, huyện Kim Bôi; Khu bảo tồn thiên nhiên Pà Cò - Hang Kia, huyện Mai Châu...
Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên thiên phong phú Hòa Bình còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông với những giá trị nhân văn đa dạng, phong phú. Nơi đây có nền văn hóa thời tiền sử nổi tiếng "Văn hóa Hòa Bình", được coi là cái nôi của nền văn hóa Việt - Mường, quê hương của Sử thi "Đẻ đất, Đẻ nước".
Trong những năm qua, loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được đánh giá là ngành kinh tế quan trọng, các điểm du lịch cộng đồng ngày càng được quan tâm, hỗ trợ và phát triển thông qua các đề án, chính sách của Trung ương, của tỉnh.
Việc phát triển du lịch được quan tâm và trọng tâm vào các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng (sinh thái bên hồ Hòa Bình), chữa bệnh (suối khoáng nóng), du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc: Văn hóa Mường, Thái, H'Mông, Dao… Các tuyến đã kết nối và được du khách biết đến, sử dụng nhiều như: Tuyến du lịch đường thủy trên sông Đà, quanh khu du lịch hồ Hòa Bình; Tuyến du lịch dọc sông Đà qua các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình; Tuyến trải nghiệm văn hóa các dân tộc: Dân tộc Mường (Tân Lạc, Đà Bắc) - Dân tộc Dao (Đà Bắc) - Dân tộc Thái (Mai Châu) - Dân tộc H' Mông (Mai Châu); Tuyến đi bộ, đạp xe, chơi golf; Du lịch thể thao, mạo hiểm: Dù lượn, bơi thuyền, hang động…
Sau gần 3 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả bước đầu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển làng nghề, sản phẩm truyền thống của địa phương. Chương trình tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn và là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực miền núi, miền đồng bào dân tộc tỉnh Hòa Bình thời gian qua đã bắt đầu phải đương đầu với một số khó khăn, thách thức và bộc lộ một số tồn tại hạn chế cần phải khắc phục như: Hệ thống đường giao thông kết nối các làng, bản, điểm đến du lịch cộng đồng còn nhiều khó khăn và thiếu đồng bộ; hệ thống cung cấp nước sạch, khu xử lý rác thải, nước thải chưa được quan tâm đầu tư; hạ tầng viễn thông liên lạc chất lượng thấp chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch; sản phẩm du lịch nghèo nàn, đơn điệu, chất lượng chưa cao; số lượng và chất lượng nguồn nhân lực vừa thiếu lại vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm đến du lịch cộng đồng; hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch chưa được quan tâm đầu tư xứng tầm...
Trong giai đoạn tới, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với bảo tồn và phát huy các sản phẩm lợi thế, du lịch nông thôn trên địa bàn, tỉnh Hòa Bình quan tâm nâng cao các sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh Hòa Bình nói chung và sản phẩm du lịch nông thôn nói riêng ngày càng hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao trong khu vực; góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn phát triển du lịch với phát triển nông nghiệp bền vững.
Tin nổi bật
Tin Video