Tin tức

Hòa Bình: Xã nghèo Nánh Nghê cần có cầu dân sinh

(VOVTV) - Nánh Nghê là xã vùng 3 của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, có địa hình phức tạp, núi đồi chia cắt, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Dù đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, cải tạo đường sá, nhưng vẫn còn nhiều đoạn đường thường xuyên gặp nguy hiểm mỗi mùa mưa lũ.

Tác giả Mùi Sơn / VOVTV
31/03/2021 21:46
Xã nghèo Nánh Nghê cần có cây cầu dân sinh - Ảnh 1.

Là xã vùng 3 nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn

Xã Nánh Nghê có 832 hộ và khoảng 3.172 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mường, đời sống phụ thuộc vào nông, lâm nghiệp. Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện Đà Bắc hơn 80km nhưng phải mất gần 3 tiếng đồng hồ qua những đoạn đường đèo, dốc quanh co và cả những con đường dân sinh nhỏ hẹp một bên là vách núi, một bên là sông Đà, theo tỉnh lộ 433 mới đến được trung tâm xã.

Ông Bùi Văn Nhậm, 59 tuổi, trưởng xóm Nước Mọc cho biết, trước đây, khi chưa mở tuyến đường mới liên xóm Nghê, Đăm, Lài, việc đi lại của người dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn. Trong những ngày mưa lũ, người dân ba xóm gần như không thể đi lại hay vận chuyển hàng hóa, các cháu học sinh cũng không đi học được do tuyến đường giao thông duy nhất thường xuyên bị sạt lở, đá từ trên các vách núi cao hai bên đường luôn rình rập rơi xuống gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do bị đá rơi trúng.

Ông Phan Quỳnh Anh, Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đà Bắc cho biết, trong năm 2020, một tổ chức phi chính phủ của Ailen đã hỗ trợ huyện đầu tư xây dựng tuyến đường dài 500m nối xóm Nước Mọc và 3 xóm Nghê, xóm Đăm và xóm Lài trong xã với nhau, rút ngắn thời gian lưu thông, tránh sạt lở, tuy nhiên, do kinh phí nhỏ nên mới chỉ đầu tư được hạng mục nền đường. Huyện cũng đã có nhiều cố gắng song do kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa cải tạo những tuyến đường của xã Nánh Nghê cũng như huyện Đà Bắc rất lớn nên mới chỉ bố trí được một phần nhỏ kinh phí. Con đường mới do vậy tới nay vẫn chưa được hoàn thiện, đặc biệt là đoạn chạy qua suối Mọc cắt ngang.

Mỗi mùa mưa lũ, nước suối dâng cao, chảy xiết, người dân lại phải quay lại sử dụng con đường cũ với những nguy cơ rình rập. Bởi vậy, họ rất mong có được một cây cầu để đi lại và vận chuyển hàng hóa an toàn.

Xã nghèo Nánh Nghê cần có cây cầu dân sinh - Ảnh 2.

Tuyến đường này phải đi qua con suối Mọc

Trao đổi với PV VOVTV, ông Bùi Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cho biết, người dân trong xã cũng như chính quyền địa phương rất mong muốn có một cây cầu để việc đi lại của người dân thuận tiện hơn nhất là vào mưa lũ.

"Mong muốn của người dân chúng tôi là được nhà nước quan tâm và hỗ trợ đầu tư 1 cây cầu để việc đi lại của người dân đặc biệt là các cháu học sinh được thuận tiện hơn, đồng thời phát triển kinh tế cho địa phương," ông Phúc nói.

Cùng chung nguyện vọng, ông Cao Quý Dương, Phó hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS Đồng Nghê kể, trường hiện có 272 em học sinh, trong đó có khoảng 100 em thường xuyên phải đi học trên tuyến đường này. Vào mùa mưa lũ, việc đi đến lớp của các em rất vất vả. Đối với tuyến đường cũ, để đến trường phải đi vòng khoảng 4,5km, nguy hiểm hơn là tuyến đường này hay bị sạt lở và tắc đường, nhiều em bắt buộc phải nghỉ học vì mưa lũ lớn.

"Mong muốn lớn nhất của thầy và trò chúng tôi là được các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm tạo điều kiện, quan tâm xem xét sớm hoàn thiện tuyến đường và làm 1 cây cầu để các em học sinh đến lớp đầy đủ và an toàn hơn," thầy Dương nói.

Xã nghèo Nánh Nghê cần có cây cầu dân sinh - Ảnh 3.

Mặc dù đã được nhà nước đầu tư tuy nhiên, do kinh phí nhỏ nên mới chỉ đầu tư được hạng mục nền đường

Việc có được một hệ thống đường giao thông an toàn, thuận lợi, kiên cố không chỉ giúp người dân tránh được cảnh bị cô lập trong những ngày mưa lũ, mà còn là điều kiện để phát triển kinh tế, các cháu học sinh không còn lo lắng mỗi khi mùa mưa lũ đến.


Ý kiến của bạn