Xã hội

Hòa Bình: Xã Đồng Tâm chuyển mình

(VOVTV) - Mặc dù là vùng quê trung du miền núi, nhưng với sự chung sức, đồng lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đang xây dựng một miền quê giàu đẹp, đáng sống.

Tác giả Trọng Hiếu / VOVTV
07/06/2021 16:28

Vùng đất có nhiều tiềm năng

Xã Đồng Tâm nằm ở phía Đông Nam của huyện Lạc Thủy, có diện tích đất tự nhiên hơn 4.724 ha, với dân số 1.827 hộ, hơn 6 nghìn nhân khẩu, với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống ở 10 thôn. Xã có Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp hoạt động theo luật Hợp tác xã và một chợ đầu mối nông sản.

Xã nằm tiếp giáp với huyện Kim Bảng của tỉnh Hà Nam, huyện Gia Viễn của tỉnh Ninh Bình, có tuyến Quốc lộ 21 chạy qua và tuyến đường Tâm Linh từ chùa Tam Chúc đi chùa Bái Đính rất thuận tiện cho việc đi lại, là thị trường tiềm năng tiêu thụ, thông thương hàng hóa nông sản, thực phẩm và du lịch với các tỉnh trong khu vực.

Nét mộc mạc, giản dị làng quê ở Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy.jpg

Nét mộc mạc, giản dị ở làng quê Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy

Ngoài ra, xã Đồng Tâm còn có điều kiện tự nhiên về cảnh quan như hồ Đồi Bô, hang Đầm Khánh… có thể xây dựng khu du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thắng cảnh.

Địa hình của xã chủ yếu là đồi núi thấp xen lẫn đồng bằng, đất đai tương đối tốt cho việc trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây cảnh phục vụ hoạt động dịch vụ và du lịch. Diện tích đất rừng rất phù hợp với trồng rừng nguyên liệu trên diện rộng. Lực lượng lao động dồi dào, chủ yếu là lạo động trẻ.

Diện mạo nông thôn khởi sắc

Khai thác tiềm năng lợi thế nội tại, những năm qua, nhân dân trong xã tích cực, hăng say lao động sản xuất cùng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Bùi Đức Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, cho biết: "Ngay sau khi về đích nông thôn mới vào cuối năm 2015, cấp ủy chính quyền xã Đồng Tâm bắt tay ngay vào việc triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao. Xã xây dựng phương án nâng cao các tiêu chí, đăng ký lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đồng thời báo cáo tình hình triển khai thực hiện cho huyện theo định kỳ.

Chủ động đề ra các chủ trương, phương hướng chỉ đạo, tận dụng các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục tập trung xây dựng các tiêu chí khó thực hiện như nâng cao thu nhập, tổ chức lại sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở địa phương".

Triển khai các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2019 – 2020, các thôn mở rộng đường làng ngõ xóm, làm cống rãnh thoát nước, trồng hoa, cây cảnh, cây bóng mát, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu.

Trong đó phải kể đến thôn Tân Tiến đã xây dựng bồn hoa, trồng cây tùng, lắp camera an ninh, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng toàn bộ các tuyến đường trong thôn; thôn Đồng Nội làm đường hoa, trồng cây bằng lăng, trồng cây cau hai bên các tuyến đường làng.

Về thăm vùng quê này, ai cũng thật sự ấn tượng trước những ngôi nhà mới khang trang thấp thoáng trong các khu vườn cây trái, bên những cánh đồng lúa mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị của làng quê Việt Nam. Trên gương mặt của những người dân luôn rạng ngời niềm vui và đầy ắp hy vọng.

Bà Nguyễn Thị Thanh, xã Đồng Tâm, phấn khới cho biết: "Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thay đổi diện mạo quê hương, làm cho thôn xóm xanh, sạch, đẹp hơn. Bà con trong xã rất vui, nhất là có được những con đường bê tông khang trang, rộng rãi giúp cho nhân dân đi lại đỡ vất vả, nông sản được vận chuyển dễ dàng".

Sự đổi thay rõ nét của xã Đồng Tâm là hệ thống đường giao thông nông thôn được quản lý, sử dụng, đầu tư nâng cấp đảm bảo "xanh, sạch, đẹp", đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân.mâm

Hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, mở rộng phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân.jpg

Hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, mở rộng phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân

Trong đó, ấn tượng nhất là tuyến đường từ trung tâm xã đến huyện dài 4,5 km đã được nhựa hóa, có vị trí quan trọng, kết nối với các xã trên địa bàn huyện và tỉnh Hà Nam. Tiếp đó là gần 10 km đường trục xã, liên xã, hơn 27km đường trục thôn và 26,7 km đường ngõ xóm đã cơ bản được bê tông hóa, nhựa hóa, không bị lầy lội vào mùa mưa.

Xã có 9 công trình hồ đập, hơn 32km kênh mương thủy lợi đáp ứng tưới tiêu cho trên 96% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Công tác kiểm tra sửa chữa hệ thống lưới điện được thực hiện thường xuyên. Vì vậy, hơn 23km đường dây trung thế, gần 42km đường dây hạ thế và 20 trạm biến áp trên địa bàn xã đảm bảo cho 1.792 hộ thường xuyên được sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất, đạt trên 98% số hộ.

Hệ thống trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa, hạ tầng thương mại nông thôn cũng được đầu tư đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em ở địa phương, nhu cầu vui chơi, giải trí, khám chữa bệnh… của nhân dân trên địa bàn xã.

Trường Mầm non xã Đồng Tâm đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Trường đạt Chuẩn quốc gia, đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3..jpg

Trường Mầm non xã Đồng Tâm đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Trường đạt Chuẩn quốc gia, đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3

Dịch vụ viễn thông, internet phủ sóng ở tất cả các thôn, phục vụ kịp thời nhu cầu trao đổi, tìm hiểu thông tin, kiến thức của nhân dân. Đến nay, xã đã có 2 trong tổng số 3 trường học đạt chuẩn Quốc gia; xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tất cả 10/10 đạt tiêu chuẩn "Làng văn hóa"…

Điều đáng ghi nhận trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Đồng Tâm là đã tạo được sự lan tỏa trong nhân dân. Xã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng được nhiều mô hình trồng na, nuôi dê, trồng cam hiệu quả, tạo được nhiều phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo.

Trong đó, thương hiệu Na Đồng Bong đang được xây dựng theo chương trình OCOP "mỗi xã một sản phẩm" đạt chất lượng cao. Tổng diện tích na của xã là 40ha, thu hoạch 2 vụ/năm với giá bán cao, thị trường ổn định, cây Na đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân.

Thương hiệu Na Đồng Bong đang được xây dựng theo chương trình OCOP..jpg

Thương hiệu Na Đồng Bong đang được xây dựng theo chương trình OCOP

Hiện nay, toàn xã có 6 trang trại được công nhận theo tiêu chí mới, 32 gia trại và 1 hội gây nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã thông thường. Các trang trại có thu nhập ước tính từ 700 - 900 triệu đồng/trang trại/năm.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đồng Tâm và Hợp tác xã Sơn Nam có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản của địa phương, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm chủ lực, bền vững, liên kết đầu vào, đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm.

Đối với công tác bảo vệ môi trường, định kỳ vào ngày 25 hàng tháng, nhân dân trên địa bàn các thôn tổ chức dọn dẹp, khai thông cống rãnh, phát quang đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang vườn nhà đảm bảo vệ sinh môi trường. Xã cũng xây dựng các tuyến đường hoa, tuyến đường xanh, sạch, đẹp, không có hiện tượng xả thải bừa bãi.

Ông Trịnh Xuân Nghị, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, cho biết thêm: "Từ khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc hơn".

Kinh tế phát triển giúp mức sống của người dân từng bước được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 13%, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 45 triệu đồng/người/năm; năm 2020 đạt 51 triệu đồng/người/năm.

Giai đoạn từ 2016 – 2020, Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã có nhiều đổi mới từ công tác điều hành đến tổ chức thực hiện, huy động được nhiều nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt.

Nhận thức trong đội ngũ cán bộ công chức và nhân dân về xây dựng nông thôn mới đã có sự thay đổi rõ rệt. Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới được xác định rõ ràng.

Tập trung các tiêu chí thiết thực, bền vững

Theo Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Trịnh Xuân Nghị, từ quá trình xây dựng nông thôn mới, bài học kinh nghiệm được rút ra là xã Đồng Tâm đã phát huy tốt vai trò của Ban Chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã. Đồng thời, coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân nhận thức đúng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cùng "chung sức xây dựng nông thôn mới".

Công khai, dân chủ để người dân cùng bàn bạc, gắn kết việc phát động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư với xây dựng nông thôn mới. Phát huy sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân trên tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Khơi dậy nội lực, huy động nhân dân hiến đất, ngày công và tiền của vào xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở đề án và quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt, năm 2021, xã Đồng Tâm tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định.

Trên cơ sở đó, xã gắn phát triển nông nghiệp với tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại. Đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và bền vững theo mô hình liên kết các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ và chế biến nông sản trên địa bàn.

Xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo môi trường "xanh, sạch, đẹp", nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững vàng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nhà văn hóa các thôn đều được đầu tư xây dựng khang trang, rộng rãi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, rèn luyện thể thao của bà con..jpg

Nhà văn hóa các thôn đều được đầu tư xây dựng khang trang, rộng rãi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, rèn luyện thể thao của bà con

Từng bước xây dựng nông thôn mới xã Đồng Tâm giàu đẹp, văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại. Ưu tiên các công trình trọng điểm, làm đến đâu hoàn thành đến đó, không dàn trải. Xã phấn đấu năm 2021, cơ cấu giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt 45%, công nghiệp xây dựng 25%, dịch vụ, xây dựng 30%; thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo.

Đầu tư xây dựng các công trình nước sạch đảm bảo cung cấp nước sạch hợp vệ sinh cho nhân dân đạt 100%; số hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 100%; số hộ có đủ 3 công trình vệ sinh thiết yếu đạt 100%.

Một trong những giải pháp thiết thực được xã Đồng Tâm tiếp tục thực hiện là phát huy vai trò phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và cộng đồng dân cư. Định kỳ tổ chức điều tra về sự hài lòng của người dân đối với tiến độ và kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Khai thác các nguồn thu tại địa phương, tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng.

Từ việc chủ động triển khai nhiều giải pháp của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với sự quyết tâm, đồng lòng, chung sức của người dân trong quá trình thực hiện chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, tin rằng, xã Đồng Tâm sẽ sớm về đích "Xã nông thôn mới nâng cao" đúng theo lộ trình đề ra.

Ý kiến của bạn