Hoà Bình: Từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
(VOVTV) - Với những lợi thế và tiềm năng to lớn về du lịch, trong những năm qua, cùng với sự phát triển du lịch chung của cả nước, du lịch Hoà Bình cũng đang trên đà khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư lớn, nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao được đưa vào sử dụng, làm thay đổi diện mạo của ngành du lịch, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Hòa Bình có vị trí thuận lợi tiếp giáp với Thành phố Hà Nội, là cửa ngõ vùng Tây Bắc và là vùng đệm trung chuyển giữa đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi Tây Bắc của Tổ quốc. Thành phố Hòa Bình cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 60 km, nằm trên tuyến đường bộ Hoà Lạc - Hoà Bình, đường quốc lộ 6 và đường thủy sông Đà đi lên các tỉnh Tây Bắc.
Hòa Bình một vùng đất còn mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông với những giá trị nhân văn đa dạng, phong phú. Nơi đây có nền "Văn hóa Hòa Bình" nổi tiếng, quê hương của Sử thi "Đẻ đất, Đẻ nước"; có các di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc. Hòa Bình có các khu, điểm du lịch đã và đang thu hút được nhiều du khác trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Trong những năm gần đây, du lịch Hòa Bình có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định về lượng khách (đạt trên 10%/năm). Năm 2019, trước thời điểm bị ảnh hưởng do đại dịch Covid -19, toàn tỉnh đã đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 400 ngàn khách quốc tế với tổng doanh thu từ hoạt động du lịch là trên 2.000 tỷ đồng. Hòa Bình đã xây dựng được những khu, điểm du lịch có thương hiệu, được đông đảo du khách biết đến như Khu du lịch Hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu. Các khu nghỉ dưỡng như Serena Resort (Kim Bôi), Hideaway Resort, Mai Chau Ecolodge, Ban Khan village Resort, Avana Retreat (Mai Châu), Sân Golf Phượng Hoàng (Lương Sơn)… đang là những địa chỉ được du khách yêu thích.
Đặc biệt, hồ Hòa Bình với dung tích trên 9 tỷ m3 nước, là khu vực có tài nguyên du lịch phong phú đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu du lịch quốc gia đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư tiềm năng.
Toàn tỉnh hiện có 434 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 4.500 buồng, hơn 300 tàu vận chuyển khách du lịch trên Hồ Hòa Bình. Giai đoạn 2016-2020 đã thu hút được trên 40 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 15.237 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại tỉnh Hòa Bình có 72 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch còn hiệu lực, chiếm 12,2% tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 20.000 tỷ đồng. Du lịch Hòa Bình đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc và đóng góp vào nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Trao đổi với PV VOVTV, ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cho biết: "Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn tỉnh lần thứ XVII, Chương trình hành động số 01 - CT/TU ngày ngày 23/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình.
Trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tập trung tổ chức chỉ đạo thực hiện các nội dung nhằm xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc; tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện, cạnh tranh văn minh, bình đẳng; phát huy tối đa lợi thế để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao tỷ trọng ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo cơ hội việc làm cho lao động địa phương, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chú trọng công tác quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh trong giai đoạn tới; tập trung triển khai có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030; huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Lạc đến thành phố Hòa Bình và đi Mộc Châu, cũng như mở các tuyến đường đến một số điểm có tài nguyên du lịch tại huyện Kim Bôi và huyện Lạc Sơn.
Xây dựng tuyến đường du lịch ven hồ Hòa Bình từ thành phố Hòa Bình qua các huyện Cao Phong, Đà Bắc; đầu tư nâng cấp cảng du lịch Bích Hạ và Thung Nai, bến thuyền Bãi Sang đạt tiêu chuẩn để đón tiếp khách du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho một số tập đoàn lớn như Sun Group, Tân Hoàng Minh, FLC, T&T... nghiên cứu, khảo sát lập các dự án quy mô lớn, chất lượng cao tại khu du lịch hồ Hòa Bình và huyện Kim Bôi, Lạc Sơn theo quy hoạch.
Phát triển du lịch chuyển từ "số lượng" sang "chất lượng", có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng chủ động hội nhập, nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp, đảm bảo sản phẩm du lịch có thương hiệu và tính cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu của các thị trường mục tiêu; phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với những lợi thế của địa phương, thu hút đầu tư du lịch trong đó tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm như: Du lịch văn hóa; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh.
Đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh Hòa Bình; triển khai các chiến dịch quảng cáo lớn gắn với chiến lược Marketing toàn diện vào các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng; chú trọng khai thác thị trường vùng Thủ đô Hà Nội song song với thu hút các thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo vào phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 4,9 triệu lượt khách, trong đó có một triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5.400 tỷ đồng. Đến năm 2030 Hòa Bình đón 7,3 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 2 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 11 nghìn tỷ đồng".
Với nỗ lực tích cực và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương cũng như của các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch, chắc chắn du lịch Hòa Bình sẽ đạt được mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới và là điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Tin nổi bật
Tin Video