Hoà Bình: 'Tiếp sức' đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch
(VOVTV) - Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hoà Bình “hụt hơi”. Thời điểm này, doanh nghiệp rất cần các chính sách trợ sức của Nhà nước để vượt qua khó khăn ổn định sản xuất kinh doanh.
Khó khăn trong đại dịch
Theo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hoà Bình được biết, trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh có khoảng 360 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 14.000 tỷ đồng; 60 doanh nghiệp đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện; cấp thay đổi, bổ sung nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.200 lượt doanh nghiệp; 105 doanh nghiệp quay trở lại thị trường.
Quyết định chủ trương đầu tư cho 20 dự án trong nước với số vốn đăng ký là 32.517 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng dự án giảm 17 dự án nhưng số vốn đăng ký tăng 92,5%; quyết định chấm dứt hoạt động của 41 dự án đầu tư; điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 19 dự án.
Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây thiệt hại lớn về kinh tế, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên dịch diễn biến phức tạp nên đã có 110 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh; 35 doanh nghiệp giải thể tự nguyện…
Bà Nguyễn Thị Mỹ, Thành viên HĐQT Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng thương mại Mỹ Phong (Thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình) cho hay: Đợt dịch lần thứ 4 này, tất cả các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng đều bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp không có việc làm, phải ngừng hoạt động; các chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng lên như chí phí test Covid-19, chuỗi cung ứng hàng hoá bị đứt gãy, khó khăn trong việc nhập nguyên liệu sản xuất…
Năm 2021, công ty chúng thôi thực hiện thi công một số Dự án như dự án trồng, bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bôi và nâng cấp tuyến đê bao ngăn lũ sông Bôi kết hợp đường giao thông chạy lũ 438 (chiều dài 8km) thuộc địa bàn huyện Lạc Thuỷ; dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435 (chiều dài 10km); đường tránh ngập tại huyện Lạc Sơn (chiều dài 19km) và một số hồ, đập… dù doanh nghiệp đã cố gắng chống chọi trước mọi khó khăn nhưng đại dịch kéo dài đã gây ra rất nhiều hệ lụy.
Dịch bệnh kéo dài, việc thực hiện giãn cách xã hội lượng nhân công bị hạn chế kéo theo đơn giá nhân công cao hơn, giá vật liệu cao hơn… Hơn nữa, số lao động thực hiện thi công các dự án sẽ bị cắt giảm hoặc luân phiên thay nhau lao động dẫn đến việc chậm tiến độ thi công các công trình (ví dụ như 1 công trình cần 10 nhân công lao động thì buộc cắt giảm xuống còn 5). Tuy nhiên, công ty vẫn phải đảm bảo lương cho công nhân.
Hiện tại, công ty đang tạo công ăn, việc làm cho khoảng 200 công nhân chưa kể lao động thời vụ. Sau mỗi đợt dịch, để lo tiền ăn, tiền lương cho công nhân còn thiếu trước, hụt sau. Bình quân mỗi năm, tiền lương, bảo hiểm xã hội cho công nhân và tiền thưởng cũng phải vài tỷ đồng, nhưng từ đầu năm đến nay nguồn thu của công ty rất hạn hẹp. Giờ mà cho công nhân nghỉ thì họ cũng đói, còn để giữ chân họ thì doanh nghiệp phải trả lương từ 8-10 triệu đồng/người/tháng, còn chưa kể lao động thời vụ có thời điểm lên đến cả trăm người. Nếu kéo dài tình trạng này thì doanh nghiệp khó mà cầm cự nổi"- bà Mỹ than thở.
"Trước những khó khăn chung của các doanh nghiệp, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như giảm tiền lãi suất vay ngân hàng, giảm tiền điện, hỗ trợ tiếp cận Nghị quyết 68 của Chính phủ nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân,doanh nghiệp. Trong thời gian tới, chúng tôi mong rằng các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương có phương án hỗ trợ doanh nghiệp như giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập cá nhân; giãn, hoãn giản ngân vốn đầu tư công, bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến tiến độ công trình bị chậm, chính vì chậm nên không có khối lượng để thanh toán cho công trình", bà Mỹ đề xuất.
Chung tay cùng doanh nghiệp vượt khó
Theo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hoà Bình, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hoạt động sản xuất bị thu hẹp, gián đoạn các chuỗi cung ứng thì điều cần nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp là cầm cự để vượt qua giai đoạn này. Muốn vậy, phải giảm thiểu các chi phí bắt buộc dù không hoạt động nếu không muốn dẫn đến phá sản. Thời điểm này, việc không tạo ra doanh thu, lợi nhuận, chi phí lãi vay trở thành gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp.
Hiện nay, do các doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng nên dòng tiền vào bị thiếu hụt trong khi vẫn phải chi trả những chi phí để duy trì sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải phát sinh thêm chi phí, chi phí đầu vào tăng cao. Do đó các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả lãi vay đúng hạn dẫn đến nợ xấu, không vay được khoản vay mới.
Các khoản vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn nếu áp dụng tỷ lệ tài sản đảm bảo chung sẽ rất khó khăn cho mỗi doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục vay vốn. Trong trường hợp có quy định rõ tỷ lệ tài sản đảm bảo cho các khoản vay mà có lợi cho doanh nghiệp thì các Ngân hàng thương mại cần xem xét cụ thể để có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp. Vì đối với các doanh nghiệp có tín nhiệm cao thì các khoản vay ngắn hạn đề nghị áp dụng tỷ lệ tài sản đảm bảo thấp hoặc tín chấp (do các khoản vay khi phát sinh vay đã được đảm bảo bằng chính tài sản hình thành từ các khoản vay đó)…
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Hoà Bình đã triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp cũng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ và mở rộng cho vay mới với lãi suất thấp hơn thời điểm trước khi có dịch, tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã miễn giảm trên 1 tỷ 200 triệu đồng tiền lãi của dư nợ gốc 302 tỷ đồng với 69 khách hàng; cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với dư nợ 1.736 tỷ đồng của 1.778 khách hàng. Cho vay mới với lãi suất thấp hơn thời điểm trước khi có dịch từ 1-2,5%/năm với dư nợ trên 3.844 tỷ đồng đối với 782 khách hàng.
Ngoài ra, nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã gia hạn nợ cho 54 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ 1 tỷ 798 triệu đồng; giải ngân 1 tỷ 474 triệu đồng đối với 4 doanh nghiệp theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh Hoà Bình đã hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người dân tiếp cận nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị Covid-19 và cách ly y tế; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch… với số tiền trên 16 tỷ 500 triệu đồng.
Với tinh thần chủ động, triển khai tích cực, đồng bộ của hệ thống chính trị nên công tác hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh đã được triển khai kịp thời, cơ bản đúng đối tượng và thời gian, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế của tỉnh.
Tin nổi bật
Tin Video