Hoà Bình: Thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương
(VOVTV) - Công tác thu hút đầu tư của tỉnh Hoà Bình những năm gần đây đang có nhiều khởi sắc, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đầu tư vào tỉnh. Góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo nhiều việc làm, thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
"Gỡ khó" cùng các nhà đầu tư
Chia sẻ về công tác thu hút đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hoà Bình cho biết, để tăng cường công tác thu hút đầu tư trên địa bàn, Sở thường xuyên tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo Chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt. Tham gia các Ban chỉ đạo, Tổ công tác của tỉnh để lãnh đạo chỉ đạo, trực tiếp làm việc với các tập đoàn kinh tế lớn trong nước, các nhà đầu tư tiềm năng, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đôn đốc tiến độ, giải quyết khó khăn vướng mắc trong triển khai nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn nhà đầu tư triển khai hoạt động nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất triển khai dự án. Phối hợp hỗ trợ, giới thiệu nhà đầu tư tìm hiểu các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Rà soát, tổ chức công bố danh mục dự án, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025 tạo hấp dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm, đăng ký đầu tư.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường công tác phối hợp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tính đến tháng 9/2021, toàn tỉnh có khoảng 360 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 14.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp cấp mới tăng 35%, số vốn đăng ký tăng 75,8%; 60 doanh nghiệp đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện; cấp thay đổi, bổ sung nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.200 lượt doanh nghiệp; 110 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh; 35 doanh nghiệp giải thể tự nguyện; 105 doanh nghiệp quay trở lại thị trường. Công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp tiếp tục được triển khai thực hiện theo kế hoạch.
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp. Các sở, ban, ngành đều tổ chức đối thoại định kì với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt khó khăn, kiến nghị, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh tại tỉnh nhằm củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Hoà Bình.
Sức hút đầu tư
Từ các hoạt động xúc tiến đầu tư, hiệu ứng tích cực của các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã thực hiện, nhiều dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo thu nhập, việc làm cho nhân dân.
Theo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hoà Bình, năm 2021 là năm đầu triển khai Luật đầu tư năm 2020, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cùng hàng loạt các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản có hiệu lực, cũng năm đầu triển khai Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Tính đến tháng 9/2021, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 624 dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động; trong đó có 40 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 593,806 triệu USD và 584 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 105.894,5 tỷ đồng. Trong đó: 463 dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp (bao gồm 13 dự án đầu tư nước ngoài và 450 dự án đầu tư trong nước); 101 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp (bao gồm 27 dự án đầu tư nước ngoài và 74 dự án đầu tư trong nước); 27 dự án đầu tư trong nước trong các cụm công nghiệp và 33 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Phân theo mức độ triển khai thực hiện: Có 345 dự án đầu tư đã hoàn thành đầu tư xây dựng, hoạt động sản xuất kinh doanh (bao gồm 22 dự án đang tạm ngừng hoạt động), chiếm 52,24% tổng số dự án đầu tư của toàn tỉnh; còn lại 279 dự án đầu tư chưa hoàn thành, hiện đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục về đất đai, đầu tư xây dựng và các thủ tục pháp lý khác, trong đó có 81 dự án hiện đang bị chậm tiến độ triển khai thực hiện.
Phân theo địa bàn hoạt động: Thành phố Hòa Bình có 203 dự án, huyện Lương Sơn có 195 dự án, huyện Lạc Thủy có 61 dự án, huyện Tân Lạc và huyện Kim Bôi cùng có 28 dự án, huyện Mai Châu có 25 dự án, huyện Lạc Sơn có 24 dự án, huyện Cao Phong có 22 dự án, huyện Đà Bắc có 21 dự án và huyện Yên Thủy có 17 dự án.
Phân theo lĩnh vực đầu tư: Có 421 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp - xây dựng (bao gồm: 265 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, 77 dự án đầu tư khai thác khoáng sản, 38 dự án đầu tư hạ tầng, 04 dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang, 04 dự án đầu tư xây dựng chợ và 33 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại), 140 dự án đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ (bao gồm: 63 dự án đầu tư xây dựng khách sạn, khu du lịch và 77 dự án đầu tư thương mại - dịch vụ khác), 54 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (bao gồm: 38 dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, 13 dự án đầu tư trồng rừng và 03 dự án đầu tư trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái) và 09 dự án đầu tư vào các lĩnh vực khác như đào tạo (08 dự án) và nghiên cứu công nghệ sinh học (01 dự án).
Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Hoà Bình đã phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư cho 20 dự án trong nước với số vốn đăng ký là 32.517 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng dự án giảm 17 dự án nhưng số vốn đăng ký tăng 92,5%; quyết định chấm dứt hoạt động của 41 dự án đầu tư; điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 19 dự án. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có tổng số 571 dự án; trong đó, có 39 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 590,8 triệu USD và 533 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 120.681 tỷ đồng.
Riêng các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có 102 dự án đầu tư đã được cấp phép; trong đó, có 27 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 527,35 triệu USD và 75 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 11.059,45 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp trong các KCN ước đạt 10.924 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 69,1% so với kế hoạch.
Cải thiện môi trường môi trường đầu tư
Cũng theo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hoà Bình, trong thời gian tới tỉnh Hoà Bình sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng an toàn, sử dụng hiệu quả quỹ đất, sản xuất quy mô lớn, chú trọng chất lượng sản phẩm của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể và nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp (phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản bình quân hằng năm đạt 4,5-5%).
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, chú trọng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường và tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp (phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 54% cơ cấu kinh tế, tỷ lệ lấp đầy các khu CN đạt trên 80%, diện tích các khu, cụm công nghiệp chiếm 01% diện tích tự nhiên).
Khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, chú trọng công tác quy hoạch phát triển du lịch. Ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn chặt với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường (Phấn đấu đến 2025 đón khoảng 4,9 triệu lượt khách, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu về du lịch đạt 5.400 tỷ đồng).
Tận dụng lợi thế đầu mối kết nối giữa vùng Thủ đô và vùng Tây Bắc để đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ đa dạng phấn đấu đến năm 2025 xây dựng các điểm, trung tâm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh tại các thành phố lớn, địa phương cả nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác tốt thị trường nội địa, phát triển đa dạng các loại hình vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics, phấn đấu ngành dịch vụ đạt 27% cơ cấu kinh tế, tổng mức bán lẻ tăng bình quân 18%/năm, xuất khẩu tăng bình quân 18%/năm.
Với định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, hấp dẫn; quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương đồng hành với doanh nghiệp, Hoà Bình phấn đấu thực sự là nơi "đất lành" đối với các nhà đầu tư trong thời gian tới.