Tin tức

Hòa Bình: Quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông tạo đột phá phát triển

(VOVTV) - Vài năm trở lại đây, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã từng bước hoàn thiện. Trong đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng một số tuyến đường đối ngoại trọng điểm mang tính liên kết vùng, như: đường Hòa Lạc - Hòa Bình, cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, đường nối từ chùa Ba Sao đến chùa Bái Đính. Hệ thống giao thông đối nội cũng được đầu tư đồng bộ.

Tác giả Mùi Sơn / VOVTV
10/12/2022 21:09

Với quan điểm phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và hệ thống hạ tầng giao thông nói riêng phải đi trước một bước, trong đó ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn, mục tiêu tỉnh hướng tới là phát triển kết cấu HTGT một cách đồng bộ, hợp lý, liên hoàn giữa đường bộ và đường thủy nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày một gia tăng; kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh tạo thành hệ thống giao thông thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH bền vững...

Để thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, thời gian qua tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020. Tập trung các nguồn lực của tỉnh, đề xuất, kêu gọi các nguồn hỗ trợ từ Trung ương và vốn nước ngoài để ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông mang tính đột phá trong phát triển KT - XH của tỉnh.

Sau nhiều nỗ lực, ngày 16/3/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 497/QĐ-UBND về phê duyệt dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) với tổng chiều dài tuyến 49,02 km. Đoạn 1 chiều dài tuyến 31,47km; điểm đầu tuyến Km0+00, giao với đường nội thị, thị trấn Bo (Kim Bôi); điểm cuối tuyến lý trình Km31+047 kết nối với đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình tại nút giao liên thông. Đoạn 2 chiều dài 17,55km; điểm đầu tuyến lý trình Km0+00 giao đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình tại Km 29+00 phường Kỳ Sơn; điểm cuối tuyến lý trình Km17+551,84 tại phạm vi nút giao IC2 - quy hoạch cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên (đoạn Hòa Bình - Mộc Châu). Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 4.120 tỷ đồng. Đây được xác định là dự án trọng điểm của tỉnh, sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển KT-XH cho các địa phương, nhất là vùng khó khăn.

Hòa Bình: Quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông tạo đột phá phát triển - Ảnh 1.

Hệ thống hạ tầng giao thông ở Hoà Bình được đầu tư xây dựng tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế

Nói về đột phá phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới không thể không nhắc tới dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình giai đoạn 2. Đây là dự án liên kết vùng có tầm quan trọng đặc biệt. Dự án được đầu tư sẽ kết hợp với tuyến Đại lộ Thăng Long tạo thành trục động lực nối liền TP Hòa Bình với Hà Nội, nâng cao năng lực vận chuyển, đảm bảo năng lực lưu thông của các phương tiện vận chuyển từ các tỉnh Tây Bắc đi Hà Nội và ngược lại; tạo điều kiện phát triển KT-XH khu vực Tây Bắc nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Dự án đang được UBND tỉnh và TP Hà Nội tích cực phối hợp triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, xây dựng.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh cũng chủ trương ưu tiên và huy động nguồn lực đầu tư các tuyến đường từ Ba Sao đi Bái Đính; cầu Hòa Bình 5, 6; đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai; dự án kết nối hạ tầng giao thông, thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường đối ngoại như QL21 (kết nối Hà Nam), QL12B (kết nối Ninh Bình), đường tỉnh 433 (kết nối Sơn La); đường vành đai 5 (kết nối khu vực vùng Thủ đô); các tuyến đường trục ngang kết nối với đường    Hòa Lạc - Hòa Bình... 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hoà Bình có chủ trương sử dụng nguồn vốn ngân sách các cấp đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối những khu vực quan trọng, thúc đẩy phát triển KT-XH các huyện, thành phố. Triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường tỉnh. Đồng thời phát huy mạnh mẽ phong trào làm đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng NTM, đảm bảo ATGT vùng cao, vùng xa...

Thời gian tới, để triển khai đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông và triển khai nhanh, hiệu quả các dự án trên địa bàn tỉnh, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các giải pháp cần thực hiện là bám sát định hướng quy hoạch, quản lý tốt quy hoạch được phê duyệt. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng có tính đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao chất lượng công trình, hạ giá thành sản phẩm, rút ngắn thời gian thi công. Tạo mặt bằng sạch để phục vụ đầu tư xây dựng; giám sát, kiểm soát, quản lý chặt chất lượng nhằm đảm bảo dự án đưa vào khai thác phát huy hiệu quả đầu tư.

Ý kiến của bạn